Khi người cha giáo dục con cũng là lúc họ đang tự giáo dục và kiểm tra nhân cách của chính mình.
Nhà tâm lý học Hứa Hạo Tuyên của Đài Loan từng nói: “Người cha đóng vai trò như nhiên liệu, thúc đẩy trẻ tự tin rời khỏi vòng tay an toàn của người mẹ để bước lên phía trước, thực hiện ước mơ”.
Đối với mọi đứa trẻ, cha là một sức mạnh. So với tình yêu thương và sự dịu dàng của mẹ, sức mạnh của người cha có thể giúp trẻ khám phá thế giới một cách độc lập, lạc quan và dũng cảm.
Bởi vậy, người cha có ảnh hưởng rất lớn đến tính cách và sự phát triển của trẻ. Dưới đây là những quy tắc làm cha nên tham khảo.
1. Tắt điện thoại 60 phút cuối tuần
Jenny Radesky, giảng viên khoa Phát triển hành vi nhi đồng, Đại học Boston, Mỹ từng nói: “Nếu cha mẹ thường dùng điện thoại trong bữa ăn cùng con cái, sự lo lắng và cáu kỉnh của trẻ sẽ cao hơn nhiều trẻ khác”. Nếu người cha suốt ngày cúi mặt vào điện thoại, trẻ sẽ dần học theo.
Theo Jenny Radesky, đừng nghĩ trẻ tới trường thì việc dạy dỗ là trách nhiệm của giáo viên. “Trách nhiệm của người bố không chỉ thúc giục con cái làm bài tập về nhà mỗi ngày mà còn nhiều hơn thế”. Người cha nên dành thời gian trò chuyện và đọc sách cùng con nhiều hơn. Cách làm này khiến trẻ ít gặp phải các vấn đề về rối loạn hành vi hoặc lạc lối ở tuổi dậy thì.
Cuối tuần hãy tắt điện thoại trong 60 phút, tập trung vào con mình. Có thể trò chuyện, vui chơi, đồng hành cùng con trong khoảng thời gian này.
2. Dành ít nhất 20 phút mỗi ngày với trẻ
Một nhà giáo dục Trung Quốc từng đề ra “Quy tắc 1-2-3”. Theo đó, mỗi ngày một lần, mỗi lần 20 phút, người cha chọn một trong ba việc với trẻ: Đọc sách, chơi trò chơi hoặc nói chuyện. Ví dụ: Cùng chơi trò lắp ráp 20 phút để tăng sự nhanh nhạy cũng như phản ứng của trẻ. Tắt tivi, đọc sách với trẻ trong 20 phút hoặc cùng trò chuyện 20 phút về những vấn đề trẻ quan tâm…
Nhà giáo dục Ned Jordson từng nói: “Cách tốt nhất truyền cảm hứng cho trẻ là truyền đạt”. Vai trò của người cha có ý nghĩa to lớn đối với sự trưởng thành của trẻ. Vì vậy, dù bận rộn đến đâu cũng phải cố gắng đồng hành để con phát triển tốt cả về thể chất lẫn tinh thần.
3. Dạy trẻ phép tắc và lễ nghĩa
Chuyên gia tâm lý Võ Chí Hồng, Trung Quốc từng nói, trẻ nếu thiếu hướng dẫn của người cha sẽ khiến kỹ năng tự kiểm soát và phép tắc xã hội trở nên tồi tệ.
Bộ Y tế Mỹ từng đề xuất nhiệm vụ của người cha gồm: Dạy dỗ trẻ đúng cách và hướng dẫn trẻ mọi quy tắc khi ở phạm vi ngoài gia đình. Bởi 6-12 tuổi, trẻ được học cách chuyển từ “kỷ luật bản thân” sang “kỷ luật tự giác”. Và người cha là một tấm gương đại diện cho ý thức về mọi thẩm quyền và quy tắc.
Chức năng của người cha khi này là làm cho trẻ hiểu rõ ranh giới của hành vi: Điều gì có thể làm, điều gì không, làm sai sẽ bị trừng phạt như thế nào.
4. Cùng tập thể dục với trẻ
Cha tập thể dục với con ít nhất 20 phút mỗi ngày sẽ khiến trẻ tăng cường sự chú ý, kiểm soát và kỹ năng nhận thức, đặc biệt lứa tuổi 0-12 tuổi, được mệnh danh là “thời kỳ hoàng kim của sự tăng trưởng”. Ngoài ra, lứa tuổi này vốn phụ thuộc nhiều vào sự chăm sóc của mẹ, sự xuất hiện của cha sẽ cung cấp cho trẻ sức mạnh hỗ trợ bên ngoài để phát triển.
Để đạt mục tiêu này, các nhà khoa học Canada hướng dẫn: trẻ dưới 4 tuổi không thích hợp chạy và nhảy sớm, nhưng có thể dạo bộ ở công viên. Trẻ 4-6 tuổi cần cha dạy cách chạy và nhảy. Sau 6 tuổi có thể cùng con bơi lội, đi xe đạp, chơi bóng đá… Từ 6-12 tuổi, dưới tấm gương của cha, trẻ bắt đầu theo đuổi sở thích thể thao của riêng mình.
5. Học cách lắng nghe trẻ
Nhóm tác giả của cuốn sách: “Nuôi dưỡng những chàng trai có EQ cao” phát hiện ra, những chàng trai giàu cảm xúc thường có một người cha cũng giàu cảm xúc.
Ở tuổi dậy thì, sự tương tác của cha với con trai đóng vai trò quan trọng trong việc nhận dạng cảm xúc của trẻ. Bởi trẻ khi đó sẽ quan sát cảm xúc của người cha để giải thích cảm xúc của chính mình. Điều này khiến trẻ hiểu bản thân cũng như hiểu được người khác. Khi trưởng thành những chàng trai như vậy thường có nhiều mối quan hệ xã hội tốt. Còn đối với con gái, sự ấm áp của cha sẽ làm cho trẻ hiểu rõ hơn cách kết nối cảm xúc với người khác giới. Cái ôm của cha, tiếp xúc với cơ thể trẻ cũng thuận lợi hơn cho việc thiết lập cảm giác an toàn ở trẻ.
Ngoài ra khi vào tuổi dậy thì, sự đồng hành của cha như một cách nhận dạng giới tính. Là con trai chúng sẽ hiểu được tương lai bản thân sẽ nam tính và ngoan cường như thế nào. Còn con gái sẽ hình thành về mô hình tương tác với người khác giới thông qua tương tác với cha mình.
6. Không cãi nhau trước mặt trẻ
Ở Trung Quốc, từng có cuộc khảo sát tâm lý hơn 3.000 trẻ trong độ tuổi đi học. Một câu hỏi chung là: “Điều bạn sợ nhất là gì?”. Câu trả lời nhận được nhiều nhất là: “Cháu sợ nhất bố mẹ cãi nhau vì mình”. Trẻ vài tháng tuổi đã có thể cảm nhận được cảm xúc của cha mẹ. Vì vậy, các cặp vợ chồng không nên cãi nhau trước mặt con cái. Dù ai thắng thì trẻ vẫn là kẻ thua cuộc lớn nhất.
Trong tâm lý học có “định luật đồng hồ”. Một người đàn ông khi đeo một chiếc đồng hồ có thể nắm bắt thời gian chính xác. Nhưng nếu đeo một lúc hai cái, chắc chắn không thể nắm rõ thời gian. Bởi vậy, trong mọi cuộc cãi vã, trẻ sẽ không biết bên nào đúng, bên nào sai. Chúng sẽ chênh vênh và cảm giác bị co kéo ở giữa.
Nếu trẻ vô tình chứng kiến cha mẹ tranh cãi, hãy giải thích cho trẻ: “Ba mẹ chỉ có chút mâu thuẫn, sẽ giải quyết nhanh thôi. Dù chuyện gì xảy ra, ba mẹ vẫn luôn yêu thương con”.
7. Nói chuyện với trẻ về ước mơ
Một giáo viên trung học ở Thượng Hải, Trung Quốc từng chia sẻ câu chuyện của mình trên trang cá nhân. Hôm đó, cô giao bài tập cho học sinh: “Hãy nói rõ ước mơ của con”. Đáng ngạc nhiên, nhiều trẻ đã viết về cha mình, trong đó một số ước mơ liên quan tới nghề nghiệp của cha, số khác sẽ làm việc gì đó cùng cha ở tương lai.
Người cha có nhiều khả năng tư vấn cho con cái lựa chọn nghề nghiệp và lập kế hoạch, hỗ trợ nghề nghiệp của trẻ. Cha không chỉ dạy cho con cái điều hay lẽ phải, còn dạy trẻ biết tầm quan trọng của giáo dục và tất cả những gì giúp thăng tiến trong tương lai.
Vy Trang (Theo sohu)