Kỷ luật với con luôn là điều không dễ dàng và cha mẹ không phải lúc nào cũng có thể giữ bình tĩnh và suy nghĩ thấu đáo.
Theo nhà trị liệu Chad Brandt cho rằng kỷ luật sai cách còn tệ hơn là không kỷ luật con: “Là cha mẹ, chúng ta phải tự đặt câu hỏi về kết quả mình mong muốn khi kỷ luật con. Kịch bản tốt nhất là chúng hiểu những gì mình làm là sai để có thể học hỏi và sửa chữa lần sau”.
Brandt chỉ ra những sai lầm cơ bản trong việc kỷ luật trẻ mà cha mẹ thường áp dụng.
Kỷ luật thể xác
Các nghiên cứu chứng minh rằng việc đánh đòn và các hình thức kỷ luật thể xác nhằm mục đích nuôi dạy con cái theo kiểu độc đoán là không lành mạnh. Nhiều bằng chứng cho thấy kỷ luật thể xác có thể thay đổi cấu trúc não của trẻ.
Kỷ luật thể xác sẽ khiến trẻ rơi vào vòng luẩn quẩn bắt chước hành vi sai trái của người lớn, khiến chúng gặp thêm rắc rối. Brandt nói: “Chắc chắn cha mẹ không muốn con mình đánh bạn cùng trang lứa khi chúng làm sai điều gì đó. Do đó, áp dụng kỷ luật thể xác hoàn toàn không hợp lý”.
Thêm vào đó, sự sợ hãi bị trừng phạt thể xác có thể khiến trẻ che giấu hành vi của mình với cha mẹ. Chúng nói dối, che đậy mọi thứ vì không muốn bị đánh đòn. Do đó, cách bạn kỷ luật thể xác có thể không dạy chúng thay đổi hành vi của mình, thậm chí, còn khiến chúng né tránh bạn, nói dối bạn nhiều hơn.
Hãy cố gắng thể hiện sự đồng cảm với con cái. Cần hướng dẫn con cách chúng có thể xử lý các tình huống một cách thích hợp hơn trong tương lai. Ví dụ, nếu con đánh em vì bị lấy đồ chơi, thay vì vụt cho con vài roi, bạn nên hỏi con cảm thấy thế nào khi đánh em. Sau đó, bạn nói với con rằng lần sau, nên lịch sự yêu cầu em trả lại đồ chơi hoặc nói với bố mẹ.
Kỷ luật quá khắc nghiệt
Dù không đánh đòn nhưng nhiều cha mẹ vẫn kỷ luật trẻ khắc nghiệt. Ví dụ, chỉ cần con ăn một viên kẹo mà không hỏi, bạn sẽ phạt con nhịn ăn quà vặt cả tuần. Chỉ cần con không làm đủ việc nhà, bạn sẽ phạt con không đi chơi cả tháng. Theo chuyên gia, kỷ luật quá khắc nghiệt không cần thiết, lại có hại.
Mọi biện pháp kỷ luật nên có sự giới hạn về thời gian để trẻ có thể xử lý thông tin. Không nên trở thành cha mẹ độc đoán khi áp đặt hình phạt khắc nghiệt lên trẻ, khi chúng không làm những gì bạn muốn.
Julian Lagoy, MD , bác sĩ tâm thần tại Trung tâm Chăm sóc Tâm thần Cộng đồng ở California cho biết: “Những đứa trẻ được nuôi dưỡng bởi cha mẹ độc đoán có nguy cơ hoạt động xã hội kém và tăng nguy cơ mắc bệnh tâm thần”. Những đứa trẻ lớn lên với cha mẹ độc đoán có nhiều khả năng trở thành cha mẹ độc tài trong tương lai.
Kỷ luật không nhất quán
Theo Brandt, khía cạnh quan trọng nhất của kỷ luật là phù hợp với các quy tắc và hậu quả. Tính nhất quán rất quan trọng, đặc biệt là khi trẻ còn nhỏ.
Khi các quy tắc và kỳ vọng của cha mẹ liên tục thay đổi, trẻ sẽ rất hoang mang dù chúng đang cư xử đúng. Brandt giải thích: “Một số cha mẹ ngừng kỷ luật trẻ khi trẻ phản ứng dữ dội. Điều đó khiến trẻ nghĩ rằng chúng có quyền tự do làm điều chúng muốn và việc cha mẹ la mắng chỉ là cảm hứng nhất thời”.
Sự rõ ràng, kiên định và tích cực của cha mẹ tạo ra một môi trường trẻ em có thể cảm thấy an toàn để thừa nhận sai lầm của mình và trưởng thành sau đó.
Thùy Linh (Theo Fatherly)