Người Do Thái luôn được đánh giá cao về tư duy làm giàu độc đáo. Họ sớm hình thành những “quy tắc ngầm” trong kinh doanh cũng như lối sống, truyền qua nhiều thế hệ.
Dưới đây là 12 nguyên tắc cốt lõi về việc kiếm tiền của họ.
1. Phục vụ phụ nữ
Để kiếm tiền, mục tiêu đầu tiên của người Do Thái nhắm tới là phụ nữ, bởi đây là “tay hòm chìa khóa” trong gia đình.
Từ trước tới nay, nhiệm vụ của nam giới là kiếm tiền, mà kiếm tiền không có nghĩa là sẽ giữ tiền trong tay. Quyền chi tiền phần lớn vẫn do phụ nữ quyết định. Phụ nữ không chỉ mua sắm kim cương, trang sức, vàng bạc để tích luỹ, họ còn là người mua sắm các vật dụng thường ngày hay lo toan các công việc gia đình. Nhắm trúng đối tượng này, tiền của nhất định sẽ tới.
2. Đi khắp nơi kiếm tiền
Đi mọi nơi kiếm tiền là đặc điểm tự nhiên của người Do Thái. Những thương nhân Do Thái ít có thị trường cố định mà mở rộng khắp nơi khi bản thân đủ tiềm lực. Họ không ngại khó, ngại khổ khi đi từ Đông sang Tây, xuống Nam ngược Bắc để kiếm tiền cũng như mở rộng thị trường. Ở đâu họ cũng thực hiện các giao dịch lớn nhỏ.
Bởi vậy để làm giàu, không thể ngồi một chỗ mà phải chạy khắp nơi, đúng như câu nói ”làm ăn tứ phương, kiếm tiền tứ hướng”.
3. Quy tắc 78/22
Người Do Thái chỉ ra, trong xã hội, tỷ lệ người bình thường và người có tiền khoảng 78/22, nghĩa là 22% người có tiền chiếm tới 78% khối lượng tài sản. Bởi vậy, chỉ cần biết kiếm tiền từ những người có tiền.
Quy tắc 78/22 còn là một quy luật tự nhiên, ví dụ 22% các ngành như quần áo, ăn uống, xây dựng, đồ trang sức, y tế… về cơ bản chiếm khoảng 78% phí tiêu dùng sinh hoạt. Vì thế, các lĩnh vực kinh doanh truyền thống của người Do Thái đa số đều tập trung vào ăn uống, quần áo… đặc biệt là các sản phẩm dành cho phụ nữ và trẻ em.
4. Phục vụ cái miệng
Người Do Thái cho rằng kinh doanh nên nhắm vào nhu cầu ăn uống của mọi người, bởi ăn là một trong những nhu cầu cơ bản nhất.
Thu nhập bình quân đầu người tăng, người tiêu dùng sẽ khắt khe và dành nhiều thời gian hơn trong việc làm hài lòng khẩu vị của mình. Vì vậy, kinh doanh ăn uống không bao giờ lỗi thời.
5. Sử dụng trí tuệ để kiếm tiền
Người Do Thái luôn cho rằng, sự thông minh có thể kiếm ra tiền mới là thông minh thực sự. Theo cách này, tiền đã trở thành thước đo của trí tuệ, chỉ khi trí tuệ được chuyển hóa thành tiền thì mới là trí tuệ sống.
Bởi vậy, người kinh doanh cần dùng trí tuệ để suy nghĩ và phân tích hành vi người tiêu dùng. Chỉ khi hiểu được nhu cầu của khách hàng, mới có thể làm ra những sản phẩm đáp ứng yêu cầu và có thể tồn tại trên thị trường.
6. Tăng doanh thu quan trọng hơn tiết kiệm
Những thương nhân Do Thái có một niềm tin không thể lay chuyển: Của cải là do bỏ mồ hôi công sức tạo ra, chứ không phải là tiết kiệm, tích góp mà có. Vì thế, muốn thu được lợi nhuận cao, phải sẵn sàng đầu tư mạnh mẽ.
7. Trân trọng thời gian như vàng bạc
Trong châm ngôn kinh doanh của người Do Thái có câu: “Đừng đánh cắp thời gian”. Nội dung không chỉ liên quan đến kiếm tiền mà còn nhắc nhở cách hành xử đúng đắn khi kinh doanh. Ở một tầng ý nghĩa khác, câu nói này khuyên bạn nắm chắc từng phút từng giây mới có thể giành được cơ hội.
Trong môi trường cạnh tranh khốc liệt, ai chậm chân người đó sẽ mất cơ hội. Để thành công, luôn phải đi trước một bước, chủ động và không ngừng đổi mới để nắm bắt được cơ hội đến với mình.
8. Tận dụng thông tin nắm bắt cơ hội
Người Do Thái vốn nổi tiếng trong việc thu thập thông tin trong kinh doanh. Đây được coi là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Một khi có trong tay thông tin về cơ hội kiếm tiền, họ sẽ không bỏ lỡ.
Ví dụ trong một trung tâm thương mại khi các doanh nghiệp có cơ hội ngang nhau, với cùng điều kiện như nhau, nếu ai biết nắm bắt cơ hội người đó sẽ chiến thắng. Điều này cũng có nghĩa nên chủ động tìm hiểu và phân tích thị trường, không nên ỷ lại, rơi vào thế bị động.
9. Đặt uy tín lên hàng đầu
Trong kinh doanh, người Do Thái nổi tiếng biết trọng chữ tín. Một khi đã ký hợp đồng, dù việc gì xảy ra, họ quyết không nuốt lời.
Họ cũng luôn tuân thủ quy luật của cuộc chơi, thiết lập mối quan hệ cộng sự đáng tin cậy với đối tác, dùng sự chân thành lay động trái tim khách hàng khi muốn công việc thuận lợi, suôn sẻ.
10. Đứng ở trên cao mới nhìn thấy được xa
Người Do Thái cho rằng trong kinh doanh nên “cố gắng nhìn thêm vài bước”, sự phát triển trong tương lai mà bạn có thể nghĩ đến là bao nhiêu, thì thành công sẽ có được bấy nhiêu. “Chân không thể chạm đến, thì mắt phải thấy được. Mắt không thể thấy được, thì tim phải cảm nhận được.”
Dù vậy làm gì, cũng phải có những bước đi phù hợp với từng giai đoạn phát triển của doanh nghiệp. Bước trước một bước, mới có thể dẫn dắt và tạo ra nhu cầu của thị trường.
11. Phối hợp tốt các nguồn lực
Nhà kinh tế học người Do Thái William Rigson đã nói, bạn có thể vay mọi thứ từ tiền, tài năng, công nghệ cho đến tri thức.
Thế giới này đã chuẩn bị tất cả các nguồn lực bạn cần, tất cả những gì bạn phải làm là thu thập và sử dụng trí tuệ để kết hợp chúng và tạo ra sản phẩm của riêng mình.
12. Đàm phán tạo ra giá trị
Một câu chuyện kinh điển được lưu truyền rộng rãi trong cộng đồng người Do Thái: Có người cho hai đứa trẻ một quả cam, vì chia chác mà chúng cãi nhau. Thấy vậy người cho đề xuất, bổ đôi cho mỗi đứa một nửa. Đứa trẻ thứ nhất về nhà, vứt các múi cam đi, đem vỏ nghiền nát rồi trộn vào bột mì nướng bánh ăn. Đứa trẻ còn lại thì lấy múi cam ép thành nước uống, vứt vỏ vào thùng rác.
Mặc dù hai đứa trẻ đều có nửa quả cam, nhưng chúng đã không tận dụng hết nguyên liệu của mình nên không đạt được lợi ích lớn nhất.
Trong kinh doanh, phải đối mặt với rất nhiều cuộc đàm phán. Lúc này, nên tăng cường giao tiếp để gây dựng thiện cảm với đối tác, và cùng nhau làm việc để ra được kết quả đôi bên cùng có lợi.
Vy Trang (Theo qq)