Thấy con gái Bảo Khanh có cá tính mạnh, sức khỏe tốt, chị Ninh Hà cùng con làm quen bộ môn leo núi, tới nay đã chinh phục nhiều đỉnh cao hơn 3.000 m.
Nhân sinh nhật tròn 6 tuổi của Bảo Khanh ngày 15/4, chị Ninh Hà đã kịp tặng con chuyến leo Bạch Mộc Lương Tử (3.064 m), Lào Cai trong 3 ngày. Bạch Mộc Lương Tử được nhiều người lớn đánh giá tương đối khó đi nhưng Bảo Khanh cho rằng rất thuận lợi, vì trước đó cô bé từng leo Lảo Thẩn, Nhìu Cồ San, Lào Cai trong mưa rét, hay đỉnh Tà Xùa, Sơn La.
Chị Hà là giảng viên Tiếng Anh, sống tại Hà Nội. Vốn không ưa thích các hoạt động thể thao cùng với bệnh thoát vị đĩa đệm nhiều năm, chị chưa từng nghĩ đến leo núi. Ngược lại, cô con gái 6 tuổi từ nhỏ đã rất nhiều năng lượng, thích khám phá, sức khoẻ tốt. Từ 4 tháng tuổi, hai vợ chồng chị đã cho con phượt ôtô đi Sa Pa, Lào Cai; Thung Nai, Hòa Bình; Yên Bái; Sơn La; Phan Thiết; Đà Nẵng… Dù có nhiều chuyến phải đi đường đèo trong thời gian dài và liên tục nhưng Khanh vẫn hào hứng, khỏe mạnh.
Cuối năm 2021, trong một lần hai mẹ con trò chuyện, Khanh chỉ vào bức ảnh một người đang leo núi trên điện thoại của mẹ và hỏi “Làm sao để có thể đến gần mây như vậy?”. Sau khi được mẹ giải thích và cho xem nhiều hình ảnh đẹp, Khanh quả quyết là mình sẽ leo núi.
Chuyến đi đầu tiên của hai mẹ con vào Tết Dương lịch 2022. Chị Hà đã tham khảo những người có kinh nghiệm nên chọn điểm đến Lảo Thẩn, Lào Cai, vừa có cung đường không quá khó đi, vừa có thể kết hợp săn mây. Chị đưa con đi mua sắm một số đồ chuyên dụng như giày leo núi, gậy chống, ba lô, áo khoác chống gió…
Chị Hà cũng chuẩn bị tâm lý rằng mình có thể bị bệnh đau lưng làm phiền nên mang theo đai cột sống và dặn porter rằng nếu chị không thể đi về thì liên hệ với porter địa phương khác cõng xuống. Song chuyến đi thuận lợi hơn chị tưởng tượng, Bảo Khanh hứng thú, liên tục chạy nhảy với rất nhiều sức lực, mỗi lần mệt họ dừng nghỉ rồi đi tiếp chứ không bỏ cuộc.
Lên gần tới đỉnh Lảo Thẩn, hai mẹ con sửng sốt khi lần đầu được nhìn thấy một biển mây đặc kín phía dưới thung lũng. Khanh nhảy múa reo mừng khi sau hành trình dài nửa ngày, cô bé cũng được thấy một biển mây giống như tưởng tượng.
Đoạn đường xuống núi là khó nhất với chị Hà vì bị chùn cơ, dẫn đến đau mỏi gối. Ngược lại Khanh đi rất nhanh, cô bé quan sát porter để học theo cách đi sao cho an toàn. “Nhiều lúc con bỏ xa mẹ ở đoạn đường bằng và xuống núi, cùng với chú porter hoặc các cô chú khác gặp trên đường trò chuyện ríu rít. Kết thúc chuyến đi, con chia sẻ không muốn về, trong khi mẹ đã thấm mệt”, chị Hà cười nói. Kể từ Lảo Thẩn, các chuyến đi leo núi là phần quà mà chị Hà hứa sẽ dành tặng khi con đạt thành tích tốt trong học tập.
Thay đổi của mẹ và con sau chuyến leo núi
Từ lời hứa của mẹ, Khanh tích cực học tập hơn, đạt nhiều thành tích ở các cuộc thi thuyết trình tiếng Anh, Olympic toán… “Khanh thông minh, tiếp thu nhanh nhưng lười học, mình thực sự vui vì từ nay con đã có động lực để phấn đấu. Đó là thay đổi đầu tiên sau chuyến đi Lảo Thẩn”, chị Hà chia sẻ.
Chồng chị Hà không thể cùng tham gia leo núi do chấn thương dây chằng. Anh thường ủng hộ vợ con bằng cách đưa họ tới chân núi và tìm nơi lưu trú xung quanh đó, vừa làm việc vừa nghỉ ngơi và hỗ trợ vợ con từ xa khi cần.
Trong thời gian ở nhà, ngày nào hai mẹ con cũng tập leo cầu thang 20-30 phút không dừng, nếu mệt thì đi chậm lại. Trong quá trình tập, Khanh cũng phải tự mình đeo ba lô đồ đạc gồm vật dụng y tế, thanh năng lượng, nước, quần áo, bật lửa, còi cứu hộ. Chị Hà cho biết việc làm quen với tự mang đồ đạc rất quan trọng, trong trường hợp bị thương, lạc đường, con có thể tự giữ an toàn cho bản thân trước khi người lớn hỗ trợ. Tới nay con có thể tự phân biệt các loại thuốc bôi, cách mặc quần áo, đeo tất sao cho tránh được côn trùng, rắn rết. Ngoài ra chị cũng hướng dẫn con cách giữ bình tĩnh, xử lý khi chẳng may bị lạc.
Chuyến đi Nhìu Cồ San trước Tết Nguyên đán là kỷ niệm đáng nhớ nhất của họ và cũng là lần Khanh được áp dụng nhiều bài học mẹ dạy. Hai ngày leo núi thời tiết xấu, mưa giông rồi mưa đá và lạnh buốt. Ngọn núi này có “đặc sản” là những con dốc dựng đứng kết hợp cùng nước mưa trơn trượt khiến chị Hà vừa đi vừa dò dẫm và bị ngã đau ê ẩm xương hông. Còn Khanh lại tự tin hơn, đường xuống dốc nếu khó khăn thì cô bé ngồi xuống trượt, vừa nhanh vừa an toàn.
“Mình cũng hơi bất ngờ vì con có thể tự nghĩ ra nhiều cách, ở tình huống nào con cũng vui vẻ đón nhận nó, không giống như người lớn có thể sợ bẩn, sợ bất tiện”, chị Hà chia sẻ.
Cũng trong chuyến đi, hai mẹ con bị lạc khi từ đỉnh xuống lán nghỉ, vì porter cần xuống trước nhóm củi, đốt lửa sưởi ấm cho mọi người. Dù là 16h30 chiều song trời mưa bão nên âm u, chị Hà lo lắng khi bóng tối ập xuống sẽ không thể nhận ra phương hướng. Trời rét buốt càng khiến chị thương con hơn, nên nói lời xin lỗi vì đưa con đi. Lúc này cô bé 6 tuổi lại là chỗ dựa tinh thần lớn nhất cho mẹ.
Đúng như bài học, cô bé dặn mẹ phải bình tĩnh và con cũng sẽ không khóc thì mới có thể giải quyết khó khăn. Sau đó không cố gắng đi nữa để tránh lạc xa hơn. Khanh tìm một chỗ trũng để ngồi nghỉ, nơi hai mẹ con được cây cối che chắn gió. Tận dụng sóng điện thoại lúc có lúc mất, chị Hà thông báo cho chồng rằng đã bị lạc. Nếu họ có thể tìm thấy porter thì sẽ liên hệ lại, còn nhiều tiếng không thấy thông báo thì nhờ người dân địa phương lên rừng tìm kiếm.
May mắn, khoảng 30 phút sau porter không thấy hai mẹ con trở xuống lán nên đã quay lại tìm. Anh cũng rất lo lắng vì trời lạnh, rừng tối đen có thể khiến hai mẹ con gặp nguy hiểm hoặc đói vì ba lô đồ đạc đã cầm xuống lán trước. Tối hôm ấy, trời tiếp tục mưa to, sấm chớp nên họ không thể xuống núi, cả ba người cũng không ăn gì. Tới trưa hôm sau, họ nấu cháo bằng cơm nguội, ăn lấy sức xuống núi. Chuyến đi có đói, mệt, lạnh, song với hai mẹ con đây là kỷ niệm đáng nhớ nhất.
Sau khi đi Nhìu Cồ San, Khanh cũng học được nhiều kỹ năng đi rừng từ chú porter. Một hôm khi đi làm về, chị Hà thấy con đang lúi húi bẻ và buộc củi, hỏi ra mới biết cô bé đang tập làm giàn phơi quần áo khi bị ướt. Nếu là trước đây, sau một ngày làm việc mệt mỏi mà thấy con nghịch như vậy thì chị Hà sẽ tức giận, có thể mắng nhưng bây giờ chị sẽ giảng giải cho con cách chơi cho phù hợp, để tránh làm hỏng đồ đạc. Chị hiểu con đang cố gắng khám phá thế giới, học hỏi những điều mới mẻ.
“Thay đổi lớn nhất là được làm bạn với con. Trò chuyện với con nhiều thì mình bình tĩnh hơn, tôn trọng và dạy con theo cá tính. Ngược lại con cũng rất thích tâm sự với mẹ, thể hiện tình cảm và nói yêu mẹ nhiều”, chị Hà cười nói.
Điểm thay đổi tiếp theo mà chị Hà nhận thấy thay đổi ở con là bản lĩnh hơn, không sợ khó khăn. Như gần đây khi leo Bạch Mộc Lương Tử phải qua một chiếc thang gỗ, bên dưới là suối chảy xiết, đá nhọn nhưng Khanh vẫn một mình đi qua. Điều khác, cô bé 6 tuổi được học trực quan khi thấy suối, động vật nhỏ hay đơn giản là màu sắc khác nhau của hoa đỗ quyên.
Về phần mình, chị Hà thấy đã đỡ những cơn đau lưng do bệnh thoát vị đĩa đệm. Cơ thể cũng dẻo dai và có sức bền hơn. Chị cho rằng cả hai đã bị “nghiện” leo núi. Tới đây, hai mẹ con sẽ cùng nhau song hành chinh phục các ngọn núi cao phía bắc như Nam Kang Ho Tao và Pusilung ở Lai Châu.
Lan Hương