Đây là hành trình gợi ý “về với thiên nhiên” cho nhóm bạn vào dịp giỗ Tổ này khi mà nhiều khu nghỉ lớn đã kín khách.
Tây Ninh và Bình Dương nằm cạnh TP HCM, thuận tiện cho các chuyến tham quan ngắn ngày bằng xe máy hay ôtô. Bạn có thể đặt trước khách sạn ở Tây Ninh để lưu trú qua đêm, giá dao động 200.000 – 500.000 đồng/phòng ở trung tâm thành phố. Nhiều khách sạn vào dịp này vẫn còn phòng.
Ngày 1: TP HCM – Vườn nho rừng – Tòa thánh Tây Ninh – Chùa Bà Đen – Hồ Dầu Tiếng – Chợ đêm Tây Ninh
Xuất phát từ TP HCM theo hướng QL22, sau 2-3 tiếng bạn sẽ đến Tây Ninh. Bạn nên khởi hành sớm để tránh ùn tắc đoạn qua Ngã tư An Sương có đông xe buýt, xe khách. Dọc đường, xe đi qua thị xã Trảng Bàng, nơi nổi tiếng với món bánh canh, ăn sáng rồi đi tiếp.
Điểm đến đầu tiên là Vườn nho rừng ở xã Phan, huyện Dương Minh Châu. Hiện chưa đến mùa nho nhưng vẫn còn nhiều hoạt động thú vị khác. Bạn sẽ được giới thiệu, tìm hiểu về loại nho mọc hoang trên núi, người dân mang củ về trồng và nhân giống thành khu vườn rộng. Ngoài nho rừng, nơi này cũng có các loại nho thân gỗ, nho Ninh Thuận.
Chủ vườn rất thân thiện, mời bạn dùng thử các sản phẩm từ nho rừng như: mật nho chua ngọt uống với đá giải khát, rượu vang và dùng bánh tráng Tây Ninh, khoai mì. Nếu thích, bạn có thể mua những sản phẩm này về làm quà, giá từ 100.000 đồng/chai mật nho 500 ml.
Sau khi ghé vườn nho, bạn di chuyển đến Tòa thánh Tây Ninh, cách trung tâm thành phố khoảng 5 km, tham quan công trình kiến trúc độc đáo của tín đồ đạo Cao Đài… Lưu ý, từ 11h30, ban quản lý sẽ hạn chế khách tham quan khu vực bên trong chính tòa để hành lễ. Vì vậy, nên đến sớm để khám phá hết không gian tòa thánh.
Buổi trưa, một bữa ăn với đặc sản bò tơ Tây Ninh là sự lựa chọn lý tưởng. Điểm đến gợi ý là quán Năm Sánh trên QL22B có không gian rộng rãi, thực đơn trên 50 món bò chế biến đủ kiểu. Món “đinh” của quán là bò lụi nướng sả chấm mắm nêm, khách có thể gọi thêm bò cuộn hấp gừng, lẩu bò… giá mỗi phần ăn từ 120.000 đến 150.000 đồng. Sau khi ăn trưa, bạn trở về khách sạn nhận phòng và nghỉ ngơi, chuẩn bị cho chuyến đi buổi chiều.
Khoảng 14h, xuất phát đi núi Bà Đen để viếng chùa Bà hoặc đi cáp treo tham quan khu vực đỉnh núi. Cáp treo thường quá tải vào các ngày nghỉ lễ khi lượng khách tăng cao. Khách có thể chọn đi bộ đường bậc thang lên chùa Bà Đen để vãn cảnh. Đường đi có bóng cây mát xuyên suốt hành trình cùng các điểm dừng chân nghỉ ngơi, mất khoảng một giờ để đi từ chân núi đến khu vực chùa Bà.
Lên đến chùa, bạn thắp hương cầu bình an, thăm các ngôi chùa trong khu vực như chùa Hang, chùa Quan âm, tượng Phật nhập niết bàn… Từ đây, có thể hướng tầm mắt về cánh đồng lúa Tây Ninh và hồ Dầu Tiếng phía xa, tận hưởng gió mát lồng lộng.
Sau khi xuống núi, bạn di chuyển về hướng hồ Dầu Tiếng để lên đê chụp ảnh, ngắm hoàng hôn. Buổi chiều, gió từ hồ thổi vào mát rượi, từng đàn trâu thong dong gặm cỏ ven hồ. Xa xa, ghe chài lưới của ngư dân cũng vào bờ sau một ngày đánh bắt cá, đông người địa phương dẫn trẻ thả diều, ăn xiên chiên và uống nước hóng gió. Khung cảnh yên bình đậm chất đồng quê Việt Nam.
Buổi tối, thư giãn khi dạo chợ đêm Tây Ninh và dùng bữa tối với lẩu cá. Địa chỉ gợi ý là lẩu cá không tên trên QL22B, nổi tiếng với nước dùng đậm đà chua ngọt. Quán có lẩu cá hú, cá bông lau, cá diêu hồng và cá hồi, giá từ 120.000 đến hơn 200.000 đồng/nồi.
Ngày 2: Chùa Thái Sơn – Núi Cậu – Suối Trúc – TP HCM
Ở Tây Ninh có rất nhiều quán chay ngon nên thử. Quán Tri Ân trên đường Lạc Long Quân có thực đơn đa dạng và mở cửa sớm. Các món nước như phở, bún, hủ tiếu… thực khách đánh giá cao nhờ phần ăn chỉn chu, đầy đặn và nêm nếm thanh vị, giá hợp lý từ 20.000 đồng/tô.
Sau khi ăn sáng, bạn di chuyển về hướng hồ Dầu Tiếng để sang Bình Dương, đi cầu an ở chùa Thái Sơn – Núi Cậu và thư giãn, tắm mát tại Suối Trúc. Khu vực Núi Cậu cách núi Bà Đen khoảng 30 km, thuộc ấp Tha La, xã Định Thành, huyện Dầu Tiếng. Toàn bộ khu vực núi rộng hơn 1.600 ha, trong đó đỉnh cao nhất gần 300 m. Trên núi có chùa Thái Sơn nằm lưng chừng dưới chân núi, được xây dựng năm 1988 mang đậm nét kiến trúc phương Đông, bao quanh là rừng xanh đại ngàn.
Từ chùa, bạn di chuyển sang Suối Trúc khá gần trên đường nhựa rộng rãi, qua những cánh rừng cao su rộng lớn thẳng tắp. Vé vào điểm tham quan là 10.000 đồng/người. Nơi này có không gian thoáng, rất nhiều trúc mọc hai bên suối tỏa bóng mát quanh năm.
Suối ít nước và có dòng chảy hiền hòa, nhiều hồ nước lớn nhỏ cho khách tắm mát, ngâm mình thư giản.Trên đường khám phá, du khách nghỉ ngơi, ăn trưa trên những bãi đá bằng phẳng. Bạn nên chuẩn bị thêm thức ăn, nước uống và bạt trải nếu muốn ở chơi lâu.
Huỳnh Nhi