Huyền Vũ, đang sinh sống và học tập tại Thái Lan, chia sẻ về trải nghiệm uống cà phê voi ở Chiang Rai.
Sau khi ghé thăm khu Tam Giác Vàng – biên giới Thái Lan, Myanmar và Lào ở Chiang Rai, những người bạn Thái Lan của tôi nói muốn thử cà phê “kee-chang” (nghĩa là phân voi), tôi cứ ngỡ là họ đang đùa. Tôi không ngờ đó chính là loại cà phê hiếm có và đắt nhất thế giới – Black Ivory.
Đến Anantara Chiang Rai vào một buổi chiều nắng vàng rực rỡ, chúng tôi được lễ tân niềm nở mời lên chiếc xe tuk-tuk. Chiếc xe luồn lách qua con đường rợp bóng cây và dừng lại trước toà nhà đậm chất văn hoá Lanna. Xuyên qua sảnh chờ để tìm chỗ ngồi trong nhà hàng, tôi phát hiện ra trước mắt là một đồng cỏ rộng lớn và nhiều cây xanh, lấp ló những chú voi xa xa đang dạo chơi đủng đỉnh. Hoá ra nơi đây cũng đồng thời là khu bảo tồn chuyên cứu trợ những chú voi bị đối xử tệ bạc trên đường phố hoặc trong các trại nuôi nhốt bất hợp pháp.
Sau khi hỏi thăm, chúng tôi quyết định thử cà phê Black Ivory với giá của một gói 35 gr cùng một lần pha chế thủ công bốn ly cà phê là 1.800 THB (khoảng 1,2 triệu đồng). Đây là giá ưu đãi chỉ dành cho du khách thưởng thức cà phê tại resort trong Covid-19 (Thái Lan mới nới lỏng các quy định cho khách du lịch từ cuối tháng 6). Người pha chế mang ra một dụng cụ pha cà phê thủ công và bắt đầu giới thiệu cho chúng tôi nguồn gốc và câu chuyện của hạt cà phê Black Ivory.
Tương tự như quy trình làm ra cà phê chồn, Black Ivory được tạo ra từ quá trình tiêu hoá quả cà phê của voi trong khu bảo tồn. Cà phê Arabica chín đỏ được hái thủ công bởi các cô gái dân tộc Akha ở các khu vực miền núi Chiang Mai được thêm vào khẩu phần ăn của voi như mía, trái cây hay cơm… Quá trình tiêu hoá tự nhiên để tạo ra hạt cà phê Black Ivory mất khoảng 70 tiếng với phản ứng enzym làm phá vỡ cấu trúc protein, vốn tạo nên vị đắng của hạt cà phê. Quá trình lên men cũng giúp làm cho hạt cà phê tăng thêm hương vị, giống như ủ rượu vang từ nho vậy.
Cách tạo ra hạt cà phê Black Ivory đã đặc biệt, và cách thưởng thức cà phê này cũng kỳ công không kém. Hạt cà phê Back Ivory thoạt nhìn rất giống cà phê Arabica thông thường, khi xay ra có màu nâu đất và mùi thơm nhẹ, xen lẫn hương thảo mộc.
Sau khi cho mỗi chúng tôi ngửi qua bột cà phê vừa xay, người pha chế cho tất cả vào máy pha cà phê mà theo anh nói, đây là máy pha theo phương pháp siphon thủ công có nguồn gốc từ Pháp những năm 1840. Một ngọn đèn cồn đun nóng bình tới nhiệt độ cố định 93 độ C – lý tưởng để pha chế cà phê. Thành phẩm là một ly cà phê nâu nhạt, sau đó chuyển dần sang ánh đỏ như màu rượu vang.
Sau khi rót cà phê vào ly thuỷ tinh, nhân viên pha chế dặn chúng tôi chờ một chút vì cà phê ngon nhất là lúc nhiệt độ khoảng 70 độ C. Thưởng thức cà phê cũng cũng như rượu vang, tuỳ vào khẩu vị của từng người mà hương vị khác nhau. Black Ivory được biết đến với hương thơm thanh dịu hoà cùng vị chocolate đắng, vị mạch nha, hương đất, mùi da thuộc, thuốc lá và mùi cỏ thơm.
Với những ai là fan của cà phê đắng như tôi thì trải nghiệm này có lẽ sẽ khiến bạn bị sốc. Tuy là cà phê nhưng vị không hề đắng, thậm chí nếu không biết đây là cà phê thì có thể bạn nghĩ mình đang thưởng thức một tách trà với vị ngọt trên đầu lưỡi, hoà quyện giữa hương chocolate và caramel.
Thông tường, để làm ra một kg hạt cà phê cần 5 kg quả cà phê tươi, riêng đối với Black Ivory thì tỉ lệ này là 33:1 vì rất khó để thu hoạch hạt cà phê khi voi đi lại tự do trên một khu vực rộng lớn. Ước tính chỉ có khoảng 150-200 kg hạt cà phê Black Ivory được sản xuất mỗi năm. Năm 2012, sản lượng là 70 kg, đến năm 2019 tăng lên 184 kg và năm nay là 215 kg. Do đó, đây được xem là một loại cà phê hiếm trên thế giới và chỉ một lượng giới hạn được phục vụ trong một số khách sạn 5 sao và nhà hàng Michelin ở Thái Lan, Macau, Maldives, Malaysia, Mỹ…
Ghé thăm Tam Giác Vàng, ngắm nhìn sông Mekong giữa biên giới Lào, Thái Lan, Myanmar và thưởng thức ly cà phê hiếm có nhất thế giới trong khu bảo tồn xanh mướt thấp thoáng những chú voi sẽ là trải nghiệm của bạn tại Chiang Rai. 8% lợi nhuận thu được từ việc bán cà phê tại khu nghỉ dưỡng sẽ được đóng góp cho khu bảo tồn voi và hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số Akha tham gia vào quy trình sản xuất cà phê.
Huyền Vũ