Địa điểm mới

    ‘Triệu phú thời gian’ thế hệ mới

    Không lao đầu vào công việc, nhiều người trẻ lựa chọn cách sống chậm, yêu thương bản thân khi dịch bùng phát.

    Kể từ khi đi làm đến nay, dù ở công ty nào kỹ sư phần mềm Gavin đều “nổi tiếng” vì hay trốn làm. Khi đại dịch bắt đầu, Gavin vui sướng khi được làm việc tại nhà. Nhiều người cho rằng anh là kẻ thất bại, không có chí tiến thủ, làm việc để kiếm tiền sống qua ngày.

    Nhưng Gavin nghĩ khác. “Cuộc sống thật ngắn ngủi. Tôi muốn tận hưởng thời gian mà mình có”, anh cười. Theo nhiều người, Gavin là một “triệu phú thời gian”.

    Khái niệm “triệu phú thời gian” được nhà văn Nilanjana Roy đưa ra lần đầu tiên vào năm 2016 tại một chuyên mục trên tờ Financial Times. Tài sản của “triệu phú thời gian” không được đo lường bằng tiền bạc, bất động sản mà bằng số giây, phút, giờ họ lấy được từ công việc để nghỉ ngơi, giải trí.

    “Tiền bạc có thể đem lại sự thoải mái và an toàn trong cuộc sống. Nhưng tôi ước chúng ta nên được dạy cách coi trọng thời gian. Cách sử dụng từng giờ, từng ngày là cách ta sử dụng cuộc sống”, Roy nói.

    Và đại dịch đã tạo ra một nhóm “triệu phú thời gian” mới.





    Địa điểm giải trí TThoi-gian-9974-1634544444 'Triệu phú thời gian' thế hệ mới

    Triệu phú thời gian là khái niệm mới, chỉ những người có lối sống chậm, tận hưởng hiện tại thay vì “cháy hết mình” vì công việc như đa số khác. Đồ họa: The Guardian.

    Trong khi nhiều nước đang chịu khủng hoảng lao động do tác động của Covid-19, một khảo sát gần đây của Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh cho thấy hơn 56% người thất nghiệp không chủ động tìm kiếm công việc mới. Họ cũng không muốn quay trở lại công việc từng làm trước đại dịch, hoặc nếu có, họ yêu cầu được làm việc tại nhà.

    Charlie Warzel, cựu phóng viên của tờ New York Times, tác giả của cuốn “Vắng mặt: Vấn đề lớn và lời hứa lớn hơn khi làm việc tại nhà”, nhận xét: “Mọi người đang bỏ việc và không muốn quay trở lại công ty, ngay cả khi trợ cấp thất nghiệp của sắp hết”.

    Đại dịch kiến nhiều người bình tâm đánh giá lại thái độ với công việc. Họ thường tự vấn bản thân có thể chấp nhận cuộc sống thu nhập thấp nhưng cảm nhận sự thoải mái hay không.

    “Tuần trước tôi lên tàu lúc 7h sáng. Một chàng trai ngồi bên cạnh bắt đầu lấy laptop và giấy tờ ra làm việc. Tôi nghĩ phải làm việc trên tàu hẳn đây là công việc rất quan trọng với họ. Nhưng cảm giác tiếc nuối cho chàng thanh niên trong tôi trỗi dậy”, Samuel Binstead, 29 tuổi, ở Sheffield, chủ một tiệm cà phê, kể lại.

    Binstead cũng từng là một người nghiện công việc. Trước dịch, anh quản lý một quán rượu ở Sheffield. Công việc bắt đầu từ 10h sáng đến 1h sáng hôm sau, năm ngày mỗi tuần. Tranh thủ những ngày nghỉ anh giải quyết các công việc liên quan đến giấy tờ.

    Ngập đầu trong công việc nhưng Binstead không nhận ra bản thân bị kiệt sức. Khi ấy kiếm tiền là mục tiêu duy nhất. Thậm chí trong dịp sinh nhật lần thứ 50 của mẹ, Binstead không được mời vì bà biết con trai sẽ bận.

    Đại dịch ập đến khiến chàng trai 29 tuổi trở nên nhẹ nhõm. “Tôi không còn bị ám ảnh bởi tiền bạc. Thời gian được ở nhà đối với tôi đáng giá hơn rất nhiều”, anh nói.

    Tháng 9/2020, Binstead đóng cửa quán rượu, chuyển sang kinh doanh quán cà phê nhỏ. Anh mở bán sáng, đóng cửa vào giờ nghỉ trưa. Vào các buổi chiều anh tập chụp ảnh hoặc gặp gỡ bạn bè. Doanh thu giảm 75%, nhưng anh không mấy quan tâm. “Tôi muốn sống cho hiện tại, điều khiến tôi cảm thấy hạnh phúc gấp 100 lần trước đây”, Binstead nói.

    Trong đại dịch, làm ít hay nghỉ việc không phải là sự lựa chọn cho những lao động có mức lương tối thiểu, đặc biệt với những người đang vật lộn để nuôi con.

    “Tôi thật may mắn. Tôi 38 tuổi, không con cái. Tôi hiểu thế là cảm giác xa xỉ khi có thể dành 3,5 tiếng trong ngày để đi dạo thay vì chăm con”, nhà văn Issac Fitzgerald, sống tại New York nói.

    Fitzgerald mô tả bản thân như một triệu phú thời gian. Bảy năm ở New York nhưng anh không biết nhiều về thành phố. Quãng nghỉ dịch khiến anh có cơ hội đi dạo nhiều hơn, khám phá những địa điểm mới.

    Trước đại dịch, nhà văn làm 80 tiếng mỗi tuần, nay còn 30 giờ. Thu nhập giảm 50%. “Thời gian là tài sản lớn nhất của tôi, là thứ tôi cần bảo vệ cẩn thận”, Fitzgerald nói.

    Người lao động tại Anh đang phải đối mặt với những áp lực khi làm việc quá sức và lương bèo bọt. Ở châu Âu, người Anh là nhóm làm việc nhiều giờ nhất, ước tính họ làm thêm 2,5 tuần trong một năm không được tính lương. Tiền lương không theo kịp lạm phát, đồng nghĩa thu thập của họ còn thấp hơn so với trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

    Tuy nhiên, việc trở thành triệu phú thời gian không phải điều dễ dàng. Lòng tự trọng của nhiều người bị ràng buộc trong công việc.

    Binstead thừa nhận: “Mọi người nghĩ tôi đang lười biếng, nhất là khi xã hội đang tôn vinh làm việc quá sức như một điều tốt đẹp. Nếu bạn không bận rộn hoặc không có gắng hết sức, bằng một cách nào đó, bạn sẽ trở thành người kém cỏi”. Và nhàn hạ được quy chụp trở thành điều gì đáng phê phán.

    Nhưng những lời kêu gọi chấm dứt tình trạng lạm dụng công việc đang nhận được phản hồi tích cực. Tại Anh và Mỹ, các chiến dịch làm việc 4 ngày mỗi tuần đang nhận được nhiều sự tán thành.

    “Tôi không chắc mình có thích khái niệm “triệu phú thời gian” hay không bởi nghe có vẻ kinh tế và mang tính giao dịch. Nhưng điều tôi thích là mọi người nhận ra sự khan hiếm của thời gian và tầm quan trọng của nó”, nhà văn Alex Pang bày tỏ, “Bởi cho đến cùng, con người không thể tích lũy thời gian như tiền bạc hay mang đi đầu tư để nhận thấy sự phát triển của chúng”.

    Minh Phương (Theo Guardian)