Indonesia“Say cảnh một phần, còn chín phần say xe”, chờ 1,5 tiếng mới đến lượt chụp ảnh… là trải nghiệm của chị Hà Phương tại Bali.
Giữa tháng 6, chị Hà Phương, ở Hà Nội, cùng chồng và hai con có chuyến thăm Bali, Indonesia. Ấn tượng của chị với vùng đất này là khung cảnh hoang sơ, đẹp và yên bình. Biết đây là “thiên đường” của những bức ảnh check-in để đời, gia đình chị trải nghiệm hầu hết các điểm nổi tiếng như “sống lưng khủng long” Kelingking, “xích đu tử thần”, đền Pura Lempuyang Luhur… Vì chưa hiểu kỹ hết địa hình, đường đi mà chị Phương đã có những trải nghiệm dở khóc dở cười.
Đường xa và say tàu xe
“Chuyến đi này mình say quá, say cảnh một phần còn chín phần say xe” là ấn tượng của chị Phương khi đến thị trấn Ubud ở Bali. Sau một ngày nghỉ lấy sức, ngày thứ hai cả gia đình mới đi tham quan. Điểm đến là trò chơi Bali Swing ở Zen Hideaway, hang voi ở đền Goa Gajah, đền Pura Tirta Empul… Chị đánh giá dù một ngày đi nhiều nhưng sức khỏe vẫn tốt, trừ lần bị say khi được đẩy xích đu quá mạnh, khiến chị nôn sạch.
Ngày tiếp theo gia đình đi đảo Nusa Penida, nơi có vách núi hình sống lưng khủng long nổi tiếng. Hành trình mệt mỏi, say xe của chị bắt đầu từ đây. Từ trung tâm Ubud ra bến tàu khoảng 25 km nhưng thời gian di chuyển lên tới gần một tiếng vì đường nhỏ và đông người. Ở bến tàu sóng đánh lớn và đông đúc khách du lịch khiến họ phải chờ khá lâu, sau đó di chuyển thêm 50 phút mới ra đến đảo. Từ đảo phải tiếp tục đi ôtô tới các điểm tham quan.
“Đường lên sống lưng khủng long hay cổng tò vò ở Broken Beach khá giống ở Tam Đảo hay Đà Lạt nhưng bé tí, lại còn cách xa hơn chục km. Quãng đường lắt léo này khiến mình say xe, người mềm nhũn rồi tiếp tục phải đi bộ khá xa mới tới nơi chụp ảnh”, chị kể.
Bất ngờ phía sau điểm check-in
Khi đi thăm “cổng trời” ở đền Pura Lempuyang Luhur tiếp tục là đoạn đường xa 60 km, đường dốc và cua tay áo liên tục khiến chị sợ hãi. Cộng thêm khi đến nơi phải lấy số thứ tự nên gia đình đợi thêm 1,5 tiếng mới tới lượt chụp ảnh.
Nhìn những bức hình trên mạng, chị Phương luôn tưởng tượng ở bên dưới “cổng trời” là một hồ nước trong có thể phản chiếu hình ảnh của mình. Song thực tế ở đây là một khoảng sân gạch và người thợ chụp ảnh cầm một chiếc gương để trước camera điện thoại nên hình ảnh giống như phản chiếu.
Hay khi chị đến với “sống lưng khủng long”, ở đây có một điểm ngồi trên cao để chụp toàn bộ vách núi vươn ra biển. Ban đầu chị nghĩ rằng sẽ có bức ảnh đẹp ở đây nhưng khi ngồi xuống, dưới chân là vực sâu hút khiến chị sợ hãi. Tay bám chặt cây cọc, đôi chân cứng đờ và không thể tạo dáng gì hơn. “Lúc đó mình an ủi bản thân rằng có ảnh ở đây là tốt rồi, xấu đẹp không quan trọng”, chị cười và nói.
Một số lưu ý ở Bali
Ở mỗi điểm tham quan đền tại Bali, du khách cần quấn sarong. Sau khi mua vé vào đền thì có một số người hướng dẫn mua sarong nhưng bạn có thể bỏ qua, bên trong có điểm cho mượn miễn phí.
Với chị Phương, đồ ăn ở Ubud không hợp khẩu vị vì nhiều đồ chiên, nướng chứ không có nước canh. Tuy nhiên khi tới vùng biển Jimbaran thì đồ ăn ngon, hải sản tươi hợp khẩu vị.
Cuối cùng chị Phương lưu ý du khách nên cân nhắc khi đi du lịch Bali cùng trẻ em hay người lớn tuổi vì di chuyển khá xa, đường đồi núi và cần có sức khỏe tốt. Trước khi đi, du khách nên tham khảo quãng đường đi để sắp xếp thời gian hợp lý. Những du khách bị say tàu, xe cần uống thuốc chống say để trải nghiệm đỡ mệt mỏi hơn.
“Dù mệt nhưng khung cảnh ở Bali quả thực ấn tượng với núi, đồi, biển và các ngôi đền cổ kính. Nếu trở lại một lần nữa, mình sẽ giảm bớt các điểm tham quan theo những bức ảnh trên mạng, chắc sẽ trọn vẹn hơn”, chị nói.
Lan Hương