Du khách Việt mất tới hàng chục triệu đồng khi đặt dịch vụ qua những tài khoản trên mạng xã hội, dù đã kiểm tra nhiều lần.
Đã qua hơn một tháng, chị Nguyễn Huyền ở Hải Dương vẫn bần thần khi nhắc đến việc bị lừa 76 triệu đồng đặt combo du lịch trên mạng. Chị cho biết gia đình 10 người dự định đi Phú Quốc nên lên hội nhóm tìm biệt thự nghỉ dưỡng. Ngay lập tức có người nhắn tin, giới thiệu cho chị combo gồm vé máy bay, phòng nghỉ ở khu nghỉ dưỡng 5 sao, gồm các bữa ăn và vui chơi không giới hạn trong khu du lịch. Giá combo khoảng 7 triệu một người trong 3 đêm và kèm 3 trẻ em.
Kiểm tra trang cá nhân Facebook và Zalo người này, chị Huyền thấy nhiều hình ảnh khách đi du lịch, chuyển khoản và bình luận bên dưới đều nhận định uy tín nên chị đặt mua. Đồng thời người bán cũng gửi ảnh thư điện tử đặt vé với hãng hàng không có tên chị. Chị Huyền yên tâm giao dịch mà không biết mã đặt chỗ trên hệ thống khi không thanh toán sẽ bị hủy và những người bình luận trên Facebook đều là tài khoản ảo.
Chị cũng nhận xét người này có thủ đoạn lừa đảo tinh vi khi gửi ảnh giao dịch ngân hàng đã qua chỉnh sửa, nội dung ghi thanh toán đặt phòng, đặt vé cho chị. Sau đó người này liên tục giục chị chuyển khoản vì không đủ tiền ứng cho những khách khác. Chị Huyền chuyển khoản ba lần, một lần cọc, một lần vé máy bay và đặt phòng với tổng 76,4 triệu đồng. Sau khi nhận tiền, người này chặn số điện thoại, Zalo và Facebook của chị.
“Cả nhà mình phải hủy chuyến đi trong đủ cảm xúc tức giận, sợ hãi. Lúc đó mình hoảng loạn không biết làm thế nào chỉ biết cầu cứu trên các nhóm mạng xã hội nhưng không ai biết người này là ai, địa chỉ ở đâu vì tài khoản sử dụng thông tin giả”, chị kể và cho biết, đã báo công an nhưng chưa tìm được kẻ gian.
Lừa đảo mua combo, đặt phòng trên mạng không mới, song xuất hiện nhiều vào các dịp cao điểm hè khi nhiều người đi chơi mà giá dịch vụ tăng hoặc khan phòng. Mới đây, Nguyễn Thị Vi Hân, Nha Trang, Khánh Hòa cũng mất 4,5 triệu đồng khi đặt phải phòng “ảo” ở Đà Lạt. Tìm trên Facebook thấy trang Booking Villa Dalat với 40.000 lượt thích nên Hân tin tưởng đặt đặt biệt thự cho cả nhóm gồm 14 người lớn. Trước khi chuyển tiền cọc phòng nghỉ, cô cũng kiểm tra chứng minh thư trùng khớp với tên chủ tài khoản ngân hàng Lê Công Hậu nên tin tưởng, mà không hề hay biết chứng minh thư trên là giả.
Sau khi chuyển cọc song, cô không liên hệ được với Hậu nên gọi điện tới villa, thì mới tá hỏa ra rằng mình bị lừa và có nhiều trường hợp khác cũng như vậy. “Mình đi Đà Lạt nhiều lần và hầu hết đều phải đặt cọc trước khi nhận phòng như vậy. Thật hụt hẫng vì lần này bị lừa bởi một trang fanpage có tương tác cao như vậy”, cô nói.
Trao đổi với VnExpress, đại diện Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an Hà Nội, cho biết thủ đoạn lừa đảo đặt phòng khách sạn ở các điểm du lịch không mới, song vẫn khiến nhiều người mắc bẫy. Nhóm lừa đảo thường dùng các tài khoản mạng xã hội, email giả… để quảng cáo, tìm kiếm “con mồi”. Chúng thường đưa ra các thông tin giả hấp dẫn như dịch vụ giá rẻ, chất lượng, thủ tục nhanh chóng, để đánh vào lòng tham và sự thiếu hiểu biết của nạn nhân. Khi “con mồi” chuyển tiền đặt cọc hoặc thậm chí là hết chi phí phòng hoặc tour du lịch, chúng sẽ chặn liên lạc để chiếm đoạt tiền.
“Thủ đoạn này xảy ra nhiều năm gần đây khi nhiều người có nhu cầu. Tuy nhiên kẻ gian thường ẩn danh, đặt máy chủ ở nước ngoài và dùng nhiều chiêu trò để xoá dấu vết nên gây khó cho cảnh sát. Người dân nên kiểm tra kỹ thông tin trước khi book phòng, tour du lịch để tránh bị lừa. Tốt nhất, mọi người nên đặt ở những công ty, tổ chức có uy tín, thương hiệu, làm lâu năm để tránh bị lừa. Khi bị lừa đảo, hãy trình báo đến công an địa phương nơi gần nhất để có hướng giải quyết”, đại diện phòng An ninh mạng, nói thêm.
Ông Lê Anh Kiệt, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin TP Đà Lạt cho biết những trường hợp phản ánh về việc trang fanpage lừa đảo đã được hướng dẫn trình báo tới Công an TP Đà Lạt và Công an Kinh tế TP Đà Lạt. Ông Kiệt cũng cho biết đây không phải là trường hợp đầu tiên bị lừa qua mạng, vì vậy địa phương đã nhiều lần cảnh báo, thậm chí công bố đường dây nóng, sẵn sàng kiểm chứng thông tin cho du khách. “Một ngày chúng tôi nhận được 20-30 cuộc gọi và tốn 30 phút đến 2 tiếng để kiểm tra cơ sở lưu trú cho khách, thậm chí phải đến tận nơi. Đây là cách an toàn, hiệu quả nhất nhưng nhiều khách vẫn không kiểm tra trước”, ông nói.
Ngoài cách liên hệ với chủ cơ sở, địa phương để kiểm chứng phòng, du khách cũng có thể phòng tránh bằng nhiều cách. Anh Nguyễn Hiếu, CEO Công ty Vitamin Tours, chuyên về đặt phòng, combo du lịch lưu ý du khách nên để ý tới mức giá rẻ bất thường. Ví dụ cao điểm hè, giá bán combo du lịch Phú Quốc bay Vietnam Airlines và nghỉ dưỡng ở Vinpearl giá 3,5 triệu đồng một người là không thể có. Vì vậy cần tham khảo nhiều nơi để biết mức giá khác nhau, trước khi quyết định mua vì rẻ.
Ông Thanh Tú, Giám Đốc Marketing Công ty Du lịch BestPrice, gợi ý đối với những du khách lần đầu đặt combo du lịch, chưa nắm bắt được giá bán trên thị trường thì nên lựa chọn những công ty uy tín, lâu năm, có tư cách pháp nhân rõ ràng, địa chỉ, website và có những giải thưởng, chứng nhận. Hiện nay nhiều công ty du lịch hàng đầu như Vietravel, Saigontourist, Hanoitourist, Hanoi Redtour, Best Price… đều có quỹ phòng và quỹ vé máy bay giá tốt trong hè. Các hóa đơn điện tử hiện nay có thể làm giả. Nếu một công ty gửi du khách hóa đơn điện tử nhưng địa chỉ email lại là một cá nhân thì cũng cần lưu ý.
Khi giao dịch với một cá nhân, du khách cần biết họ đang làm việc cho công ty nào. Các hội nhóm du lịch hiện nay có hình thức “check uy tín”, du khách có thể đăng thông tin người bán để các admin nhóm, những vị khách trước đó kiểm tra giúp. Tuy nhiên cách làm này có thể chỉ đúng ở một thời điểm.
Lan Hương