Hà NộiDự báo mưa nhưng rồi trời lại nắng đẹp, nhiều người không có kế hoạch du lịch xa đã đi cắm trại, ra ngoại thành, đạp vịt… dịp lễ 30/4.
Giống như nhiều người chọn ở lại Hà Nội, Khánh Ly, 24 tuổi, chuẩn bị trước tinh thần nằm nhà xem phim suốt những ngày nghỉ lễ do dự báo trời mưa. Sáng 1/5 thức dậy, cô bất ngờ thấy đường khô ráo, nắng nhẹ, trời mát như mùa thu. Thấy thời tiết đẹp, Ly lên kế hoạch đi cà phê, chọn những quán ngoài trời suốt cả ba ngày nghỉ còn lại để hưởng thụ không khí.
Nhiệt độ 22-25 độ vào ban ngày và 19-20 độ vào buổi tối khiến nhiều người phải xuýt xoa dù trời đã bắt đầu vào hè. “Trời này thì mặc gì cũng được, mặc áo dài tay thì không nóng, mặc áo ngắn tay cũng không bị lạnh”, Lan Anh, 25 tuổi, chưa có dự tính gì dịp nghỉ lễ do nghĩ trời mưa, đã ngay lập tức đưa gia đình đi cắm trại vào 2/5.
“Thời tiết quả thật chiều lòng người, không chỉ mình mà nhiều người khác cũng bất ngờ, hồ hởi cho các chuyến đi chơi ngoài trời”, Lan Anh chia sẻ.
Anh Nguyễn Hiếu, đồng sáng lập và chủ quản khu cắm trại Sao Đen Camping ở Ba Vì, cho biết rất nhiều khách hủy hoạt động ngoài trời do xem dự báo thời tiết sẽ có mưa. “Trong khi dịp giỗ Tổ chúng tôi hoạt động hết công suất thì dịp này chỉ đạt gần 80%”, anh nói. Tuy nhiên, khu cắm trại bỗng nhiên được “cứu” khi xuất hiện lượng khách phát sinh trong tiết trời đẹp từ 1/5. So với ước tính ban đầu, doanh thu đáng lẽ bị giảm khoảng 20-25%, chỉ còn giảm chừng 5% so với đợt giỗ Tổ.
Hà Nguyễn, 31 tuổi, chọn ở lại Hà Nội do tâm lý sợ đám đông. Đợt nghỉ lễ khá dài nhưng cảm giác phải đi tàu xe hay xếp hàng dài tại sân bay khiến anh quyết định ở lại. Thời tiết đẹp, anh chọn những quán cà phê vắng người, nhiều cây xanh để tận hưởng ngay trong thành phố.
“Ban ngày gió và nắng nhẹ, Hà Nội như ở thành phố biển vậy. Còn sáng sớm và chiều muộn se lạnh tưởng như ở Đà Lạt. Cái nắng này, những cơn gió này không giống Hà Nội tí nào, nó giống Đà Lạt”, anh chia sẻ.
Riêng ngày 2/5, Hà đã đi 3 “tăng” cà phê với bạn bè: sau bữa sáng tại phố Vạn Bảo, một ly cho buổi chiều hoàng hôn tại phố Bùi Thị Xuân và một cho buổi tối lộng gió bên hồ Ngọc Khánh. Đi với gia đình, Hà chọn quán cà phê tại bãi đá sông Hồng để tận hưởng triệt để không gian ngoài trời. Hình thức cà phê, kết hợp cắm trại và BBQ giúp họ có những giây phút thư giãn mà không cần đi xa.
“Phóng xe máy trên những con phố, gió ù cả tai nhưng vẫn cố đi đến cuối đường và nghĩ rẽ vào ngõ rồi sẽ bớt gió thôi… Những ngôi nhà cổ, những quán cà phê cóc vỉa hè, những ngày thời tiết đẹp như vậy… khiến Hà Nội có nét rất riêng”, Hà Nguyễn tâm sự về thời tiết đẹp của Hà Nội.
Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội song Trung Thái, 23 tuổi, chưa từng đi đạp vịt ở hồ Trúc Bạch. Thấy thời tiết đẹp mà chưa có lịch trình đi đâu vào ngày lễ, Thái nảy sinh ý tưởng đạp vịt. Anh cho biết chi phí là 50.000 đồng một người. Để tránh tình trạng đông đúc vào ngày lễ, người muốn đạp vịt lại không có để đạp, mỗi nhóm khách chỉ được thuê giới hạn trong một tiếng đồng hồ. Lần đầu trải nghiệm, Thái thấy thư giãn.
“Trời nắng nhưng không hề nóng, đã lâu lắm rồi mình mới thoải mái đến vậy”. Anh cho biết, mọi người tập trung tại hồ Trúc Bạch để đạp vịt khá đông, đạp không khéo thì dễ đâm vào nhau song “ngày lễ thì như thế mới vui”.
“Bình thường ở Hà Nội tất bật với lịch công việc, chỉ có thời gian rảnh vào cuối tuần thì những ngày lễ vừa qua tôi thấy thời gian như trôi chậm hơn. Hà Nội không chỉ có tắc đường, nóng nực hay mưa phùn mà còn có những ngày nắng ấm nhưng se mát. Hà Nội có gia đình, bạn bè và nhiều kỷ niệm”. Đó là điều Hà Nguyễn yêu thích khi chọn ở lại thủ đô mỗi kỳ nghỉ lễ dài.
Trung Nghĩa