Địa điểm mới
Vựa Hàu Sữa

    Một mình đạp xe khắp Sài Gòn giúp người nghèo

    Rate this post

    Chỉ định tặng quà cho người nghèo một hai hôm rồi về quê nhưng càng đi, Trúc Ly càng thấy nhiều người cần giúp đỡ nên đã ở lại Sài Gòn suốt mùa dịch.

    Chiều 30/11, Huỳnh Thị Trúc Ly, 31 tuổi, đang đạp xe từ quận 1 sang quận 5 tình cờ gặp lại ông già bán bánh tiêu Trần Tử. Gặp lại Ly, ông cụ mừng rỡ khoe: “Cuộc sống của tôi giờ đã ổn hơn nhiều, vui lắm”.

    Chị gặp ông Tử lần đầu cách đây hơn tháng, hồi Sài Gòn mới nới lỏng giãn cách. Nhìn ông cụ tóc bạc trắng, chân tập tễnh kéo xe bánh tiêu, Ly dừng lại để mua ủng hộ. Hỏi thăm hoàn cảnh mới biết vợ ông mất vì Covid trong đợt dịch vừa rồi, ba đứa con trí tuệ khờ khạo trông đợi cả vào ông. Cũng vì vậy mà ngay khi hết giãn cách, ông phải ra đường bán bánh ngay.

    “Bốn tiếng kéo xe đi khắp quận 5 nhưng ông chỉ bán được ba chiếc bánh. Tôi quyết định mua hết số bánh để ông về sớm một hôm”, Ly kể. Đoạn video chị quay và chia sẻ lên mạng xã hội sau đó đã giúp ông Tử “nổi tiếng” hơn, nhiều người biết hoàn cảnh của ông nên thường mua bánh ủng hộ.

    Ông Tử cho biết ngày 30/11 cũng là 100 ngày mất của vợ. Ly lại mua hết số bánh còn lại như lần trước để ông được về sớm làm cơm cúng bà. Bịch bánh tiêu sau đó được Trúc Ly tặng lại những người lao động nghèo gặp trên đường.

    Một mình, một chiếc xe đạp đi khắp Sài Gòn, mua của người nghèo tặng lại người nghèo là điều Trúc Ly làm trong gần 6 tháng qua.





    Địa điểm giải trí PSX-20211202-190929-6175-1638449036 Một mình đạp xe khắp Sài Gòn giúp người nghèo

    Trúc Ly (áo hồng, bên phải) gặp lại vợ chồng bà Nguyễn Thị Nghiêm, 75 tuổi bán vé số trên đường Trần Hưng Đạo, quận 5, tối 30/11. Sau khi chia sẻ video về vợ chồng bà lên mạng xã hội, cộng đồng đã giúp ông bà được gần 10 triệu đồng. Ảnh: Diệp Phan.

    Trúc Ly là giáo viên ở trường mầm non quốc tế nhưng thất nghiệp kể từ đợt dịch Covid -19 thứ tư bùng phát. Cuối tháng 6, chị định về quê ở Phú Yên tránh dịch. May mắn vẫn được nhà trường trả lương, chị nghĩ mình cần làm gì đó san sẻ với những hoàn cảnh khó khăn trước khi rời Sài Gòn.

    Ly bắt đầu đặt mua bánh số lượng lớn, hàng đêm nhét đầy balo, hai tay xách thêm hai túi lớn đi sang các quận lân cận để tặng người vô gia cư, lao động nghèo. Ở Sài Gòn hơn chục năm, không có xe máy hay xe đạp nên Ly đi bộ trong trong những đêm đầu tiên phát quà.

    Trong quá trình giúp đỡ, Trúc Ly quay một số đoạn video đăng lên mạng xã hội để lan tỏa hành động của mình đến với nhiều người. Chị không ngờ nhiều bạn bè ngỏ ý gửi thêm bánh, cơm, khẩu trang và tình nguyện làm tài xế chở đi các điểm phát quà.

    Có đêm mới đi được một đoạn đường Trần Hưng Đạo, Ly đã tặng hết quà. Thấy nhiều người còn chờ, chị đi bộ về phòng trọ lấy thêm quà, đi tiếp. Những hôm quá mệt, Ly nhờ bạn bè chở đi nhưng sau đó chị chủ động mượn chiếc xe đạp để đi một mình.

    Trong những ngày dịch bệnh căng thẳng, Ly mặc đồ bảo hộ kín mít đạp xe khắp Sài Gòn tiếp tục tặng quà. Có lần lên dốc cầu, chị bị rơi thùng bánh. Giữa trưa nắng, mồ hôi túa ra ướt đẫm khẩu trang và quần áo, cô giáo trẻ nghĩ thầm “cố nốt lần này rồi thôi”. Nhưng những hoàn cảnh trên đường phố khiến Trúc Ly không thể làm ngơ.

    Hồi tháng 7, chị gặp ông Bùi Công Anh Dũng, 67 tuổi, người vô gia cư sống dưới chân cầu hơn 10 năm. Khi Ly hỏi ông cần gì, người đàn ông bất ngờ đáp “chỉ cần một chỗ ở đàng hoàng”. Câu nói khiến cô gái không cầm lòng nên nhờ người quen tìm cho ông một chỗ ở trung tâm bảo trợ xã hội (Mái ấm). Ly cũng đã kết nối được một nhà hảo tâm cho ông Dũng tá túc miễn phí suốt đợt cao điểm dịch cho đến cuối tháng 10. Hiện ông Dũng đã được vào mái ấm Trăng Khuyết, quận 12.

    Ông Dũng chia sẻ, giai đoạn đó cứ hai ngày Ly lại đến thăm, mua thức ăn và ngồi nghe ông kể về đời mình. “Bây giờ tôi phụ trách công việc bếp núc, lo cho những cụ già hơn trong mái ấm. Cuối đời, có một nơi ở thế này là mãn nguyện”, ông Dũng khoe.

    Trúc Ly cho biết, chính việc đi bộ và đạp xe tặng quà một mình đã giúp chị gặp được nhiều người cần giúp đỡ. Chị không đăng số tài khoản để kêu gọi quyên góp, chỉ những ai thực sự muốn giúp, nhắn tin riêng chị mới cung cấp thông tin để họ đến.

    Bất ngờ nổi tiếng trên mạng xã hội về những video giúp người nghèo với hàng triệu lượt xem, Ly thường xuyên nhận được những lời cầu cứu từ khắp nơi. Tuy nhiên, chị vẫn muốn một mình đạp xe, quan sát và trò chuyện, giúp đỡ đúng người. “Đi chậm sẽ thấy được nhiều người cần giúp hơn. Đi một mình sẽ làm được những gì mình muốn mà không sợ phiền ai”, Ly giải thích. Cũng chính vì lẽ này mà đến giờ Trúc Ly không thể nhớ mình đã giúp được bao nhiêu người trong sáu tháng qua.

    Hiện tại Trúc Ly vẫn chưa thể trở lại trường nên hàng ngày vẫn đạp xe vòng quanh Sài Gòn với mong muốn sẽ có duyên giúp thêm được ai đó.

    Diệp Phan

    Hoa tiền