Địa điểm mới
Vựa Hàu Sữa

Một buổi khám phá nơi ở của Nhật hoàng giữa Tokyo

Một buổi khám phá nơi ở của Nhật hoàng giữa Tokyo Du lịch
Rate this post

Hoàng gia Nhật Bản, đã tồn tại 2.600 năm, là vương triều lâu đời nhất thế giới. Vì thế, chúng tôi cứ ngỡ nơi ở của Nhật hoàng là chỗ nào đó xa xôi, nghiêm ngặt lắm, không ngờ hành trình khám phá cung điện hoàng gia Nhật Bản (The Imperial Palace) của chúng tôi lại dễ dàng đến thế.

Cung điện nằm ngay trung tâm Tokyo và có nhiều cách để đến nơi này. Chúng tôi mua vé tàu điện 48 tiếng (48 hour Pass) với giá 1.200 yên (khoảng 210.000 đồng). Có vé này, chúng tôi thoải mái dạo chơi khắp thành phố trong 48 giờ bằng tất cả các tuyến đường trong hệ thống tàu điện.

Từ khách sạn ở khu Ueno, chúng tôi đi tàu tuyến Mita Line đến ga Otemachi Station, ra cửa D2 để đi bộ tới Hoàng cung. Bạn cũng có thể đi tuyến Chiyoda Line đến ga Nijubashi-mae, cửa số 6 hoặc đi JR Line đến ga Tokyo Station, cửa Marunouchi Central. Nhiều ga tàu của Tokyo rộng như sân bay, chỉ riêng đi bộ trong nhà ga cũng có thể mất 20 phút, đi nhầm cửa là sẽ mất rất nhiều thời gian. Vì thế bạn hãy đi đúng ga, đúng cửa để tiết kiệm sức và thời gian.

Nơi ở của Nhật hoàng chỉ cách ga tàu chừng 300-500 m. Đi bộ giữa hàng trăm tòa nhà chọc trời, chúng tôi thấy một khoảng không gian rộng lớn với hồ nước và cây cối, cùng bức tường thành xếp bằng đá tảng cỡ lớn.

Một buổi khám phá nơi ở của Nhật hoàng giữa Tokyo Du lịch

Du khách xếp hàng vào Hoàng cung. Ảnh: NVCC

Rất thú vị là một nơi bí ẩn và hấp dẫn như thế, nhưng lại không bán vé, tất cả du khách được vào cửa miễn phí. Mỗi ngày Hoàng cung tổ chức hai tour. Tour sáng phát số thứ tự lúc 9h và bắt đầu tham quan lúc 10h, kết thúc lúc 11h15; tour chiều phát số lúc 12h30, tham quan lúc 13h30, kết thúc lúc 14h45. Có những ngày Hoàng cung không tiếp khách, có những ngày chỉ tiếp buổi chiều, một số ngày lại chỉ tiếp sáng. Lịch cụ thể được cập nhật thường xuyên trên website chính thức của Hoàng cung.

Trước Covid-19, số lượng khách tối đa của một tour là 500 người, nhưng theo thông báo hiện giảm xuống chỉ còn 120 người. Khi chúng tôi tới nơi là 8h45 thì đã có du khách đứng đó. Ai cũng bảo người Nhật “đúng giờ đến từng phút” nhưng sự thật thì họ “đúng giờ đến từng giây”. Trước cổng, một nhân viên nhìn chăm chú vào đồng hồ đeo tay. 9h không hơn không kém, anh bắt đầu phát số thứ tự (vé vào cửa), mọi du khách đều được yêu cầu xuất trình bản gốc của một giấy tờ tùy thân hợp lệ (thẻ cư trú, bằng lái xe, hoặc hộ chiếu).

Một buổi khám phá nơi ở của Nhật hoàng giữa Tokyo Du lịch

Quầy phát sách hướng dẫn miễn phí bằng 6 ngôn ngữ. Ảnh: NVCC

9h10 vẫn còn một số du khách chạy đến xếp hàng, nhưng lúc này đã hết vé. 9h30, cánh cổng gỗ viền sắt to của Hoàng cung mở. Rất lịch sự, nhân viên kiểm tra kỹ hành lý của từng du khách, rồi mời vào phòng tiếp đón. Đó là một căn phòng rộng như hội trường, có wifi, nước uống và có bàn phát sách hướng dẫn miễn phí bằng tiếng Nhật, Trung, Hàn, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, có cả quầy bán đồ lưu niệm với giá cả khá hợp lý. Hướng dẫn viên trình chiếu các video trên một màn hình lớn và thuyết minh về Hoàng cung cũng như những quy định trong lúc tham quan. Sau đó họ chia du khách thành các nhóm nhỏ tương ứng với các ngôn ngữ khác nhau. Bạn có thể chọn ngôn ngữ mà mình thạo nhất, rồi mỗi nhóm lần lượt bắt đầu tham quan cung điện rộng lớn này.

Thực tế thì Hoàng cung không lộng lẫy như chúng tôi tưởng tượng. Nếu so với các cung điện ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Malaysia… thì Imperial Palace thật giản dị. Có lẽ nó được xây dựng theo triết lý và tính cách khiêm nhường của người Nhật, với tông màu trầm. Ở đây hơn 5 thế kỷ trước từng là một thành trì khổng lồ, được xây dựng bởi gia tộc Edo hùng mạnh, thậm chí một số nhà sử học còn khẳng định đây là thành trì lớn nhất thế giới khi đó. Edo cũng là tên cũ của Tokyo ngày nay. Hàng trăm năm, Edo là nơi ở của các Shogun (tướng quân) lừng lẫy, những người nắm trong tay vận mệnh quốc gia. Sau nhiều biến cố lịch sử, phần lớn tòa thành đã bị phá hủy, nhường chỗ cho những công trình hiện đại của thế kỷ 20. Từ một “căn cứ địa” của quyền lực và chiến tranh, nơi đây trở thành biểu tượng của hòa bình và lòng yêu nước của người Nhật.

Hướng dẫn viên đưa chúng tôi đến điểm tham quan đầu tiên: Fujimi-yagura, một ngọn tháp ba tầng cao 16 m, chính là trạm gác của lâu đài Edo thời xưa. Cách đây mấy trăm năm, khi khái niệm “nhà chọc trời” còn chưa ra đời, từ ngọn tháp Fujimi-yagura có thể quan sát rõ núi Phú Sĩ (Fuji), do đó nó được đặt tên là “Trạm gác ngắm cảnh núi Phú Sĩ”. Ngày nay các “công cụ canh gác” đã tân tiến hơn nhiều, nhưng Fujimi-yagura vẫn còn, suốt 360 năm vững vàng trên nền móng bằng đá, như một chứng tích lịch sử.

Một tòa nhà gây bất ngờ cho chúng tôi trong tour này là The Imperial Household Agency, trụ sở làm việc của Cơ quan nội chính Hoàng gia Nhật Bản. Trong không gian “đặc sệt” Á Đông và đậm sắc màu Nhật Bản, nhưng tòa nhà của Cơ quan nội chính Hoàng gia lại rất Tây. Thậm chí ra đón chúng tôi còn có cả một đội kỵ binh kèm xe ngựa kéo, mặc Âu phục. Cơ quan nội chính có một lịch sử lâu dài, song hành với 2.600 tuổi đời của triều đại này. Ngày nay, nó vẫn là cơ quan quan trọng của Chính phủ Nhật Bản, phụ trách các vấn đề liên quan đến Hoàng gia. Mọi công việc của Nhật hoàng, mọi cuộc tiếp đón nguyên thủ các nước, các buổi lễ long trọng của Hoàng tộc… đều nằm trong trách nhiệm của cơ quan này.

Đi qua The Imperial Household Agency là điểm đến khiến chúng tôi hồi hộp nhất: Kyuden hay The Imperial Palace. Đó là một tòa nhà thấp tầng, với tông màu chủ đạo là nâu sẫm, mái dốc xanh nhạt theo phong cách truyền thống Nhật Bản. Chúng tôi dành rất nhiều thời gian trước tòa nhà Chōwaden Reception Hall, công trình rộng nhất cung điện, có hàng hiên được bọc kính chống đạn. Đây là nơi Nhật hoàng và toàn thể gia đình thường đến làm lễ và đón chào người dân dịp năm mới và sinh nhật của ngài. Hướng dẫn viên nói rằng khoảnh sân rộng nơi chúng tôi đang đứng có sức chứa hàng chục nghìn người. Thật lòng tôi không tin lắm, cho đến khi nhìn thấy những bức ảnh rợp trời cờ hoa chụp ở Chōwaden Reception Hall, khi gia đình Nhật hoàng bước ra vẫy chào công chúng.

Một buổi khám phá nơi ở của Nhật hoàng giữa Tokyo Du lịch

Ban công bọc kính chống đạn, nơi gia đình Hoàng gia Nhật vẫy tay chào công chúng mỗi dịp lễ lớn. Ảnh: NVCC

Trong văn hóa Nhật Bản, Thiên hoàng và gia đình không chỉ là một chức danh, đó là một biểu tượng, là niềm tự hào và thể diện quốc gia. Chúng tôi có thể cảm nhận được nỗi mong chờ và niềm háo hức của người dân Nhật Bản trong mỗi dịp được bước chân vào đây, nơi gìn giữ những phẩm chất tiêu biểu của dân tộc suốt hàng nghìn năm qua, nơi khởi nguồn của “giá trị Nhật Bản”.

75 phút tham quan Hoàng cung trôi qua trong nháy mắt. Không chỉ có các tòa nhà bề thế, chúng tôi còn ngơ ngẩn ngắm khu vườn Hoàng gia, mà nói cho đúng phải là một khu rừng giữa lòng siêu đô thị Tokyo. Nhìn bản đồ, chúng tôi mới đi được khoảng một phần năm diện tích, nhưng quy định ở đây rất nghiêm ngặt: du khách chỉ đi theo hướng dẫn viên, không được tách đoàn, vì thế hết giờ tham quan là ra về, mang theo vẻ mặt chưa hoàn toàn thỏa mãn. Thật may chúng tôi đã chọn đi tự túc đến Nhật Bản, bởi chúng tôi không tìm thấy bất kỳ tour du lịch nào dẫn khách tham quan bên trong Hoàng cung, một điểm đến đặc sắc bậc nhất đất nước này.

Trịnh Hằng

Hoa tiền