Cái giá khi được ngồi văn phòng và nhận lương cao ngất ngưởng là sự ảnh hưởng nghiêm trọng về sức khỏe thể chất và tinh thần.
Khi còn là luật sư thực tập tại một trong những công ty lớn ở London, Anh, Ruwan Subasinghe luôn làm việc quá sức. Không ít lần anh ở lì trong văn phòng suốt ba ngày. Ruwan và các đồng nghiệp coi gầm bàn làm việc là chỗ nghỉ ngơi. Nhưng ngay lúc ngủ, họ cũng bị công ty yêu cầu phải đặt điện thoại lên ngực để tỉnh giấc đúng lúc khi khách hàng gọi đến.
Nhiều năm qua, nhà báo Sarah O’Connor của Financial Times dành phần lớn thời gian để lắng nghe lời phàn nàn, than thở từ những tài xế lái xe chở hàng nặng (HGV), nhân viên giao hàng, nhân viên y tế, công nhân nhà máy hay người dọn dẹp văn phòng. Cô chưa từng nghĩ luật sư hay nhân viên ngân hàng – người được chi trả mức lương cao cũng có áp lực và quá tải trong công việc.
“Hưởng mức lương cao không thể giúp những lao động này né tránh những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe và tinh thần. Chúng ta vẫn nghĩ người thu nhập thấp phải làm nhiều giờ và vất vả hơn người thu nhập cao. Nhưng khái niệm giờ đây không còn đúng”, nữ nhà báo nhận định.
Theo nghiên cứu của Tổ chức Resolution Foundation, Anh, 1/10 nam giới có lương theo giờ cao nhất hiện phải làm việc nhiều hơn trung bình 7 giờ một tuần, so với 1/10 nam giới được trả lương theo giờ thấp nhất. Đối với phụ nữ, khoảng cách này là 10 giờ mỗi tuần.
Còn tài liệu của Financial Times Big Read về chủ đề này cho thấy, không ít lý do khiến nhân sự trong các lĩnh vực được trả lương hậu hĩnh phải làm việc nhiều giờ, thậm chí từ 1.900 đến 2.200 giờ một năm. Đặc thù công việc của họ là khách hàng mong đợi được phục vụ bất kể ngày đêm, khi các sự cố xuất hiện đột ngột và công việc không dễ chuyển giao cho người khác dù cùng một hệ thống.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, tổ chức thu lợi nhuận từ khách hàng theo số phút sử dụng dịch vụ, luôn muốn nhân viên làm việc càng nhiều giờ càng tốt.
Hiểu rõ mặt trái của công việc, nhưng nhiều người vẫn chọn để đổi lấy mức lương cao và những mối quan hệ tiềm năng. Nhưng vấn đề là chúng khiến họ kiệt sức.
Trong cuộc khảo sát năm 2021 của Tổ chức từ thiện sức khỏe tâm thần LawCare với 1.700 chuyên gia pháp lý ở Anh và Ireland, 69% người được hỏi cho biết đã gặp vấn đề về tâm lý trong năm trước đó. Trong khi 1/3 người nói chỉ ngủ 6 tiếng, hoặc ít hơn, vào mỗi đêm.
Không chỉ tinh thần, thể chất của các nhân viên cũng giảm sút nghiêm trọng. Nghiên cứu năm 2021 của Tổ chức Y tế Thế giới kết luận, làm việc từ 55 giờ mỗi tuần sẽ dẫn đến nguy cơ đột quỵ cao hơn 35% và nguy cơ tử vong do thiếu máu cục bộ cao hơn 17% so với làm việc 40 giờ một tuần. Cơ thể con người sẽ bị suy sụp khi phải làm việc quá nhiều, bất kể được trả bao nhiêu tiền.
Subasinghe đã rời công ty luật, hiện là giám đốc pháp lý cho Liên đoàn Công nhân vận tải quốc tế, nói rằng cái giá của việc nhận lương cao là sự kiệt sức.
“Với tôi, được trả lương cao không sung sướng mà chỉ nhận lấy những mệt mỏi về thể chất và tinh thần như lao động chân tay”, anh nói. Và thay vì so sánh lương cao hay thấp, Subasinghe hy vọng bất kỳ nơi làm việc nào cũng sẽ tuân thủ luật pháp quốc gia và các tiêu chuẩn lao động hiện hành. Mối quan tâm lớn nhất của người lao động trong công việc là sự an toàn, sức khỏe nghề nghiệp và có thời gian cho cuộc sống gia đình.
Minh Hằng (Theo Financial Times)