Liên kết du lịch với TP HCM giúp khai thác tối đa tiềm năng du lịch, từ đó, giúp khẳng định thương hiệu du lịch Bắc Trung Bộ, theo Giám đốc Sở Du lịch TP HCM.
Trong những năm gần đây, liên kết là quy luật tất yếu của nhu cầu phát triển, quảng bá du lịch. Để nhìn nhận về tầm quan trọng của liên kết vùng và vai trò của TP HCM trong việc thúc đẩy, xúc tiến các hoạt động liên kết và các sản phẩm du lịch của thành phố với các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM chia sẻ.
– Liên kết vùng trong hoạt động du lịch những năm gần đây trở thành xu hướng và được nhiều địa phương chú trọng. Theo bà, tại sao cần tạo ra các liên kết vùng du lịch?
– Liên kết du lịch là một trong các giải pháp tất yếu và trên thực tế đã được triển khai trong nhiều năm. Hoạt động này tác động, thúc đẩy từng thành tố trong hệ sinh thái du lịch phát triển và đem lại nhiều hiệu quả, gồm tận dụng được thị trường khách giữa các địa phương trong vùng để tăng số lượng và doanh thu; tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo từ tiềm năng và sự khác biệt về nhiều mặt nhằm thu hút khách, đặc biệt là khách quốc tế. Thông qua đó xây dựng thương hiệu vùng và du lịch Việt Nam, nâng cao chất lượng dịch vụ và điểm đến góp phần định vị thương hiệu du lịch vùng, giữ gìn và giới thiệu các giá trị văn hóa lịch sử tới du khách. Đồng thời, triển khai liên kết vùng cũng thúc đẩy chuỗi cung ứng dịch vụ và hàng hoá, tiêu thụ sản phẩm đặc sản địa phương để tạo việc làm và thu nhập, nâng cao đời sống của người dân.
Trên thực tế, trước năm 2019, TP HCM liên kết song phương hoặc đa phương cấp Sở với hơn 40 tỉnh, thành trong nước và các liên kết cũng mang lại hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên, qua các liên kết, chúng tôi nhận thấy nếu chỉ liên kết ở cấp Sở và liên kết song phương thì vẫn chưa phát huy hết ý nghĩa và giá trị.
Từ sau Hội chợ Du lịch quốc tế TP HCM (ITE) năm 2019, chúng tôi đã liên kết cấp UBND với 7 vùng trên cả nước, gồm 52 tỉnh thành trên nhiều khía cạnh cốt lõi của du lịch: phát triển sản phẩm, quảng bá xúc tiến du lịch, công tác quản lý nhà nước về du lịch và đạo tạo nguồn nhân lực.
– Việc đẩy mạnh liên kết vùng trong hoạt động du lịch của TP HCM với các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ hướng đến mục tiêu gì, thưa bà?
Liên kết với vùng Bắc Trung Bộ, bên cạnh các mục tiêu và hiệu quả chung, tôi kỳ vọng liên kết này giúp du lịch Thành phố xây dựng được các sản phẩm liên tuyến độc đáo từ TP HCM đến Bắc Trung Bộ và kết nối với nước bạn Lào, từ đó, thu hút lượng khách quốc tế vào địa phương.
Đồng thời, thông qua liên kết, chúng tôi mong muốn giới thiệu đến thị trường phía Bắc những sản phẩm đặc trưng của du lịch TP HCM nói riêng và Nam Bộ nói chung, qua đó gia tăng lượng khách đến ĐBSCL và Đông Nam Bộ – 2 vùng phụ cận của TP HCM.
Bên cạnh đó, việc tận dụng các thế mạnh của TP HCM về đào tạo nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ thông tin để cùng các tỉnh Bắc Trung Bộ đẩy mạnh chất lượng dịch vụ du lịch.
– Trong những năm qua, TP HCM đã chủ động ký kết hợp tác phát triển du lịch với 7 vùng gồm 52 tỉnh, thành phố. Lộ trình thúc đẩy du lịch, liên kết vùng giữa TP HCM và các điểm đến khu vực Bắc Trung Bộ sẽ diễn ra như thế nào?
Thỏa thuận liên kết phát triển du lịch giữa TP HCM, TP Hà Nội và các tỉnh Bắc Trung Bộ có lộ trình 5 năm (2022-2027) dựa trên bốn nội dung hợp tác chính.
Đối với công tác quản lý nhà nước về du lịch, việc áp dụng trao đổi về tình hình hoạt động du lịch và các giải pháp thúc đẩy liên kết giữa các địa phương, các giải pháp thúc đẩy liên kết giữa các địa phương và quy hoạch, kế hoạch dài hạn và hàng năm của từng địa phương.
Về việc phát triển nguồn nhân lực du lịch, Hà Nội và TP HCM hỗ trợ giới thiệu giảng viên đào tạo, tập huấn tại các tỉnh Bắc Trung Bộ mở rộng theo nội dung do các địa phương đề xuất.
Với việc phát triển sản phẩm du lịch, trên cơ sở tiềm năng phát triển du lịch địa phương, các tỉnh, thành phố trong chương trình liên kết sẽ lựa chọn những sản phẩm đặc trưng để giới thiệu. Đồng thời, chúng tôi cũng xây dựng các gói sản phẩm kích cầu du lịch chung giữa các địa phương trong đó TP Hà Nội và TP HCM là hạt nhân của khối liên kết.
Về quảng bá du lịch, việc tăng cường hợp tác tổ chức đoàn FAM, hỗ trợ công tác truyền thông giúp xây dựng thương hiệu, quảng bá xúc tiến du lịch trong nước và quốc tế.
– Trong dịp 30/4 năm nay, du lịch khu vực Bắc Trung Bộ có dấu hiệu khởi sắc khi ghi nhận lượng khách và doanh thu tăng so với cùng kỳ năm 2021. Bà đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển du lịch của khu vực Bắc Trung Bộ?
Khu vực Bắc Trung Bộ là vùng có khá nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch đặc thù so với các địa phương khác khi sở hữu dải bờ biển dài, nền văn hóa đặc sắc và nhiều cửa khẩu giáp với Lào. Vị trí này quan trọng trong phát triển du lịch Việt Nam cũng như phát triển kinh tế và du lịch trên hành lang Đông – Tây với các nước trong khu vực.
Đồng thời, khu vực này cũng có tiềm năng du lịch rất lớn với 5 di sản thế giới cùng gần 400 di tích lịch sử cách mạng, nhiều cảnh quan tự nhiên hùng vĩ, các hệ sinh thái gắn với vườn quốc gia và hệ thống đầm phá, biển đảo, các cửa khẩu quốc tế, chợ đường biên tạo lợi thế giao lưu quốc tế, phong tục tập quán văn hóa độc đáo của cộng đồng 25 dân tộc thiểu số… Đây là vùng có nhiều di sản văn hóa, thuận tiện cho việc kết nối tour du lịch con đường di sản miền Trung.
– Nhiều chuyên gia nhận định, tài nguyên du lịch khu vực Bắc Trung Bộ phong phú đa dạng nhưng cách thức khai thác du lịch chưa “tới” nên không thể thu hút khách. Giữa việc tập trung đẩy mạnh khai thác, phát triển các khu du lịch đã có và tìm kiếm các sản phẩm du lịch mới, đâu là hướng đi phù hợp với khu vực này?
– Việc tập trung khai thác, phát triển các khu du lịch đã có là điều tất yếu để doanh nghiệp và dịch vụ có thể phục hồi hoạt động sau 2 năm đình trệ vì dịch bệnh. Đồng thời, đây cũng là giải pháp nhằm kích thích nhu cầu du lịch trở lại của người dân vì trên thực tế, mỗi địa phương đều đã có những điểm đến mang thương hiệu riêng. Tuy nhiên, việc khai thác phát triển các khu du lịch đã có trong thời điểm hiện nay cần được nghiên cứu sao cho phù hợp với nhu cầu và xu hướng du lịch mới sau Covid-19, gắn với phát triển bền vững và với định hướng phát triển chung của vùng Bắc Trung Bộ.
Bên cạnh đó, việc tìm kiếm, xây dựng sản phẩm mới lại là hoạt động quyết định sự sống còn của một điểm đến. Thương hiệu du lịch cần phải được triển khai liên tục. Đặc biệt là khi vùng Bắc Trung Bộ còn rất nhiều tiềm năng chưa được khai thác và khai thác có hiệu quả.
Trên cơ sở phát triển các sản phẩm du lịch đã có và tìm kiếm các sản phẩm du lịch mới, các tỉnh Bắc Trung Bộ có thể tập trung phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử – cách mạng, du lịch nghỉ dưỡng biển. Đa dạng Đa dạng hóa sản phẩm nhằm khắc phục tính thời vụ của hoạt động du lịch.
– Bên cạnh cơ hội, việc liên kết vùng giữa TP HCM và các tỉnh Bắc Trung Bộ sẽ đối mặt với những thách thức nào?
– Khi các nội dung liên kết được triển khai, ngành du lịch các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ sẽ đối mặt với nhiều thách thức đến từ chính cơ hội. Đó là các khó khăn từ việc phát triển hạ tầng (giao thông, vận chuyển, cơ sở lưu trú) và nguồn lực du lịch (dịch vụ, nguồn nhân lực, số lượng doanh nghiệp du lịch…) không đáp ứng kịp nhu cầu và tốc độ phát triển.
Ngoài ra, cơ chế chính sách để thúc đẩy du lịch vùng của các địa phương cũng có nhiều điểm khác biệt dẫn đến sự phát triển không đồng nhất. Bên cạnh đó, các tỉnh Bắc Trung Bộ còn gặp khó trong việc khai thác tiềm năng du lịch và tạo ra các sản phẩm chung đại diện đặc trưng của vùng đồng thời mang bản sắc của địa phương.
– Từ thế mạnh du lịch khu vực Bắc Trung Bộ, việc tạo ra liên kết vùng du lịch với TP HCM mang đến tác động gì đối với hiệu quả kích cầu du lịch?
– Theo tôi, việc tạo ra liên kết vùng du lịch TP HCM với các tỉnh Bắc Trung Bộ có thể tạo ra nguồn cung khách du lịch lớn bởi đây là thị trường khách du lịch nội địa lớn nhất nước cả về số lượng và mức chi tiêu.
Đồng thời, việc tạo liên kết cũng giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí để tạo ra các sản phẩm du lịch có giá hợp lý và cạnh tranh với các nước trong khu vực. Cơ sở để mang đến hiệu quả này dựa vào việc TP HCM là trung tâm du lịch lớn nhất cả nước với hơn 1.000 doanh nghiệp lữ hành, trong đó, có các doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực du lịch.
– Với các doanh nghiệp tham gia vào liên kết vùng du lịch, Sở Du lịch TP HCM có những chính sách hỗ trợ như thế nào để thu hút nhiều hơn các đơn vị lữ hành, các doanh nghiệp vận tải tham gia xây dựng mục tiêu liên kết vùng với khu vực Bắc Trung Bộ?
– Dưới góc độ quản lý, chúng tôi sẽ hỗ trợ kết nối với cơ quan quản lý nhà nước tại các địa phương vùng Bắc Trung Bộ để giải quyết các tồn tại trong quá trình tổ chức chương trình du lịch. Ngoài ra, việc hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chuyến khảo sát xây dựng sản phẩm và kết nối với doanh nghiệp cung ứng dịch vụ tại các địa phương cũng là mục tiêu chúng tôi hướng đến.
Đặc biệt, chúng tôi sẽ phối hợp với các tỉnh Bắc Trung Bộ xây dựng các chính sách, ưu đãi đối với doanh nghiệp du lịch tham gia đầu tư phát triển du lịch tại địa phương và nghiên cứu, kiến nghị các cơ chế chính sách phù hợp, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển với các bộ, ngành.
Hồng Thảo