Địa điểm mới

Không nhường chỗ trên máy bay có sai?

MỹSau khi từ chối đổi chỗ để một gia đình có thể ngồi cạnh nhau trên chuyến bay 10 tiếng, nam hành khách bị nhiều người “lườm nguýt”.

Một nam hành khách đã chia sẻ với Reddit về sự cố của mình trên chuyến bay, đồng thời đặt câu hỏi: “Việc tôi không nhường chỗ có sai không?”.

Câu chuyện bắt đầu từ việc anh này bắt chuyến bay đường dài đi du lịch. Xác định ngồi 10 tiếng trên trời, anh bỏ thêm tiền để mua ghế có chỗ để chân thoải mái. Đó là vị trí cạnh lối đi ở hàng trên cùng, đối diện là vách ngăn. Đây là ghế ngồi có chỗ để chân cũng như không gian rộng rãi nhất ở hạng phổ thông.





Địa điểm giải trí exit1-8047-1637160472 Không nhường chỗ trên máy bay có sai? Du lịch

Hàng ghế cạnh cửa thoát hiểm, và đối diện vách ngăn trên máy bay là những vị trí có chỗ để chân rộng nhất. Ảnh: Bangkok Airways

Sau đó, một gia đình xuất hiện, gồm bố mẹ, hai con tầm 8 tuổi và hai trẻ sơ sinh. Hai em bé được đặt trong nôi, để ở chỗ trống giữa ghế ngồi và vách ngăn. Họ muốn vị khách nam đổi chỗ, để cả gia đình có thể ngồi cùng một hàng. Khi tiếp viên đến trao đổi, nam hành khách từ chối. Anh nói rằng phải ngồi máy bay tổng cộng 20 tiếng, gồm hai chuyến liền nhau. Chuyến đầu, anh đã ngồi 10 tiếng và đây là chuyến tiếp theo thêm 10 tiếng nữa. Vì vậy, anh muốn có chỗ thoải mái để không kiệt sức.

Sau đó, tiếp viên nói rằng ghế mà anh chuyển sang cũng có vị trí tương tự, đó là gần lối đi và cùng khoang phổ thông. Nhưng nam hành khách từ chối, vì trên máy bay, không có vị trí nào duỗi chân thoải mái bằng chỗ hiện tại và ghế cạnh cửa thoát hiểm. Ghế mà gia đình kia muốn đổi cho anh lại không nằm ở hai vị trí này. Hơn nữa, anh đã phải trả thêm tiền để có được sự tiện lợi, nên không muốn di chuyển.

Điều này dẫn đến việc gia đình kia phải tách nhau trên máy bay. Một đứa trẻ của gia đình đó phải ngồi hàng dưới. Trong suốt chuyến bay, anh liên tục bị người khác nhìn ngó, khó chịu và tỏ thái độ anh là một gã “đáng ghê tởm”, “tồi tệ”. Thậm chí, tiếp viên đã như “lờ” anh.

Khi chia sẻ câu chuyện, phần lớn độc giả bày tỏ sự cảm thông với nam hành khách. Họ nói rằng, anh không làm gì sai.

“Bạn đã trả tiền để có ghế đó, cũng như đã lên kế hoạch trước. Họ thì không. Quá nhiều vị phụ huynh nghĩ rằng phần còn lại của cả thế giới phải hỗ trợ họ, ngay cả khi họ không đặt ghế trước”, một người chia sẻ. Người khác nói rằng, nếu muốn nam hành khách đổi chỗ, đáng lẽ tiếp viên nên nâng hạng cho anh, hoặc đưa ra một giải pháp thỏa đáng hơn.

Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh cũng vào chia sẻ nỗi “khổ tâm”. Họ nói rằng không phải lúc nào cũng có thể đặt 4 ghế cạnh nhau, dù đã lên kế hoạch trước. “Phương án tối ưu của chúng tôi là đặt 3/4 ghế cạnh nhau, và sau đó hy vọng ai đó đổi chỗ cho mình”, một người nói.

Thu Trang, cựu tiếp viên của một hãng hàng không Hàn Quốc, hiện sống tại Hà Nội, chia sẻ quan điểm về tình huống trên: “Trên thực tế, trừ khi hành khách có các hành động quá khích như quấy rối, la hét, kích động… tiếp viên mới được quyền yêu cầu vị khách đó đổi chỗ để ngăn việc làm ảnh hưởng đến người khác hoặc uy hiếp an toàn bay. Còn trong trường hợp đổi chỗ thông thường, khách không đồng ý thì không ai có quyền ép vì họ không sai. Tiếp viên chúng tôi có quyền yêu cầu khách ngồi khác chỗ in trên vé, nhưng phải có lý do chính đáng, chứ không được tùy tiện”.

Vẫn có trường hợp hành khách không hành động quá khích, chấp hành đúng quy định nhưng vẫn phải đổi chỗ. Đó chính là những vị khách nhí, hoặc cao tuổi nhưng lại ngồi cạnh cửa thoát hiểm. Đây là vị trí cần những người khỏe mạnh, nhanh nhạy… để có thể hỗ trợ tiếp viên trong trường hợp khẩn cấp như mở cửa thoát hiểm, ngăn chặn những kẻ cố tình mở cửa vì tò mò. Và thông thường khi sắp xếp chỗ ngồi trên máy bay, nhân viên check in thường sẽ không để khách nhí, người cao tuổi ngồi vị trí này, một kỹ sư hàng không ẩn danh chia sẻ.

Anh Minh

Tranh cãi chuyện đóng mở tấm che cửa sổ máy bay