Ngành du lịch Việt Nam chỉ nhanh chóng phục hồi khi khách Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, trở lại, theo PGS TS Phạm Hồng Long.
Đại dịch Covid-19 gây ra những tác động lớn tới cơ cấu thị trường khách du lịch quốc tế của Việt Nam. Trong đó, khách Đông Bắc Á, gồm chủ yếu là Trung Quốc, rồi đến Hàn Quốc và Nhật Bản, chiếm gần 67% tổng lượng khách năm 2019, đang vắng bóng. Trung Quốc vẫn theo đuổi chính sách Zero Covid, Nhật Bản vẫn yêu cầu người ra nước ngoài trở về phải cách ly, Hàn Quốc mở cửa từ đầu tháng tư, chưa phát triển du lịch, nhiều quy định đi lại chưa rõ ràng.
Từ thời điểm mở cửa 15/3, Việt Nam đang đón đa dạng khách quốc tế từ châu Âu, Mỹ, Đông Nam Á… và có cả những dòng khách mới như Mông Cổ, Kazakhstan. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định vai trò của khách Đông Bắc Á khó thay thế trong quá trình phục hồi, phát triển du lịch lâu dài.
PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, chỉ ra nhiều ưu điểm của thị trường Đông Bắc Á. Các quốc gia này gần Việt Nam về địa lý, có sự tương đồng văn hóa, nhiều cơ hội kinh doanh và đông dân. “Về lâu dài, khi đại dịch được khống chế, muốn hay không thì khách Đông Bắc Á vẫn là thị trường chính. Chỉ khi các nước này mở hoàn toàn thì tốc độ phục hồi du lịch Việt Nam mới có thể nhanh chóng”, ông nhận xét.
Đánh giá thị trường Đông Bắc Á là không thể thiếu và có nhu cầu rất lớn, ông Long đưa ra nhiều giải pháp thu hút khi họ trở lại. Trước tiên vẫn phải chuẩn bị tốt các điều kiện để đón tiếp, đặc biệt là nguồn nhân lực, cở sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, chuỗi cung ứng các dịch vụ du lịch (ăn uống, lưu trú, vận chuyển, vui chơi giải trí, mua sắm…) ở điểm đến, số lượng và chất lượng sản phẩm du lịch phục vụ du khách. Vì sau hai năm các điều kiện này bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều nhân sự dừng hoặc chuyển đổi việc, đặc biệt đối với dòng tiếng hiếm như Nhật Bản, Hàn Quốc.
Ở cấp độ quốc gia, Việt Nam cần chủ động truyền thông mạnh mẽ về chiến dịch xúc tiến, quảng bá du lịch Trải nghiêm trọn vẹn (Live fully in Vietnam) tại các quốc gia thông qua Đại sứ quán, lãnh sự quán. Doanh nghiệp trực tiếp kinh doanh du lịch đối với thị trường khách này cũng là cầu nối.
Ngoài ra ông cũng đề xuất thông qua doanh nghiệp cần đánh giá lại nhu cầu đi lại, thời điểm mong muốn và khả năng chi tiêu của thị trường khách này khi đến Việt Nam, từ đó có những kế hoạch chuẩn bị chi tiết và chu toàn.
Nguồn khách thay thế
Thiếu khách Đông Bắc Á mang tới nhiều khó khăn, song lại vừa là cơ hội, vừa là bài học để cơ cấu lại thị trường, bằng cách đa dạng, tìm kiếm khách mới, tránh phụ thuộc vào một nguồn. Đây cũng là giải pháp duy nhất hiện nay.
Ông Long cho rằng Đông Nam Á là dòng khách tiềm năng nhất mà du lịch Việt Nam có thể tập trung thu hút, với lợi thế khoảng cách địa lý, giao thương, thủ tục xuất nhập cảnh thông thoáng… Đặc biệt Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Phillipines đều có dân số lớn và nhu cầu du lịch quốc gia lân cận như Việt Nam ngày càng tăng. Thị trường Singapore, Campuchia vốn ổn định đến Việt Nam thì càng phải thu hút họ hơn.
“SEA Games 31 sẽ là cơ hội tuyệt vời để quảng bá với khách Đông Nam Á. Khách châu Âu, châu Mỹ, Ấn Độ, Trung Đông tiềm năng. Đối với thị trường này, những chính sách ưu tiên về miễn thị thực là “chìa khóa” để họ đến Việt Nam”, ông nói.
Bên cạnh đó các thị trường khách lớn như châu Âu (Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Hà Lan), Mỹ, Australia, Ấn Độ, Trung Đông cũng tiềm năng cần tập trung khai thác. Đối với thị trường khách này thì công tác xúc tiến quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam, những chính sách ưu tiên về thủ tục miễn thị thực là “chìa khóa” để họ lựa chọn điểm đến du lịch Việt Nam.
Hiện Việt Nam đã khôi phục chính sách miễn thị thực đơn phương cho 13 quốc gia là Đức, Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Anh và Bắc Ireland, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan, Belarus.
Ngày 7-14/4, BestPrice Travel đón đoàn 15 khách đến từ Mông Cổ đi tham quan Hà Nội, Hạ Long, Ninh Bình. Trước đó công ty cũng đón 20 người từ quốc gia này.
Bà Hiên Kim, Giám đốc Kinh doanh Inbound, chia sẻ niềm vui khi lần đầu tiên được đón khách Mông Cổ, một thị trường hoàn toàn mới. “Trước đây chúng tôi chỉ đón khách bằng hình thức B2B (qua đối tác nước ngoài) nay tiếp cận trực tiếp, đăng bán các sản phẩm trên nền tảng như Bemyguest. Từ tháng 1 khi Việt Nam chưa chính thức mở cửa, chúng tôi đã chi mạnh để quảng bá”, bà Kim nói.
Trung Quốc, châu Âu… cũng là những thị trường trọng điểm của Lữ hành Saigontourist. Khi các dòng khách này chưa trở lại, công ty cũng đã chủ động khai thác nguồn khác, tập trung vào thị trường Bắc Mỹ, đẩy mạnh du lịch tàu biển. Vào tháng 10, Công ty sẽ tham dự Hội chợ Du lịch quốc tế tại Singapore để xúc tiến phát triển thị trường nhằm đa dạng nguồn khách mới. Từ tháng 10 năm nay đến 4/2023, công ty đón và phục vụ các đoàn khách từ tàu Celebrity của hãng Royal Caribbean Cruise Line với khách quốc tịch Mỹ và châu Âu.
Thời gian đầu sau mở cửa du lịch hiện nay, theo ông Long, khó đón lượng khách lớn ngay bởi các hãng lữ hành quốc tế thường đặt dịch vụ sớm từ vài tháng đến một năm. Việc không có khách Đông Bắc Á và khách châu Âu hạn chế do xung đột Nga – Ukraina, tiếp tục khiến du lịch Việt Nam chưa thể phục hồi hoàn toàn.
Năm 2022, Việt Nam đặt mục tiêu đón 60 triệu khách nội địa và 5 triệu khách quốc tế, tổng thu 400.000 tỷ đồng.
Lan Hương