Đợt dịch Covid-19 thứ tư đã khiến khoảng 50% số người được khảo sát cho biết sẽ chờ 3-4 tháng hoặc tới khi đạt miễn dịch cộng đồng mới đi du lịch.
Chị Huyền Trang (31 tuổi) dự định sẽ cùng gia đình từ Hà Nội đến Sa Pa (Lào Cai) nghỉ ngơi sau khi giãn cách được nới lỏng. Đây là điểm đến yêu thích của gia đình vì không khí mát mẻ, có nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp.
Hơn 2 tháng qua, kể từ khi Hà Nội áp dụng chỉ thị 16, vợ chồng chị Trang chỉ tập trung làm việc ở nhà và chăm sóc các con nên cảm thấy ngột ngạt. Trước đây, mỗi năm chị đều có trung bình 3 chuyến du lịch, cùng gia đình, bạn bè hoặc công ty. Năm nay khi Covid-19 bùng phát trở lại hồi tháng 5, chị phải hủy vé đi Phú Quốc (Kiên Giang) và trải qua một mùa hè nhàm chán. Vì vậy, một không gian gần gũi thiên nhiên, gặp gỡ những người có giọng nói khác biệt sẽ là liều thuốc tốt cho tinh thần với gia đình chị.
Ở TP HCM, chị Huyền Trân (28 tuổi) cho biết cũng có mong muốn được đi du lịch để giải tỏa những bức bối trong đợt giãn cách. Dù vậy khi dịch bệnh được kiểm soát, thành phố hết giãn cách xã hội, chị sẽ đợi khoảng một tháng rồi tính đi du lịch, do tháng đầu quay trở lại nhịp sống thường sẽ khá bận rộn.
Ngoài ra, những người chị Trân muốn đồng hành cùng cho biết ở nhà một thời gian dài, đa phần họ quan tâm đến công việc, học tập, việc đi du lịch có thể tới cuối tháng 10. Họ muốn được đi chơi xa tới Đà Lạt (Lâm Đồng) hoặc Phú Quốc thay vì các điểm đến quanh thành phố.
Theo một cuộc thăm dò về thời điểm đi du lịch trở lại trên VnExpress trong vòng một tuần sau khi Hà Nội bắt đầu nới lỏng giãn cách, có 32% người trả lời cho biết sẽ đi du lịch ngay lập tức và trong tháng đầu tiên khi được phép.
Tương tự, đại diện Agoda, một trong những nền tảng đặt phòng trực tuyến lớn nhất thế giới, rất tự tin vào tiềm năng du lịch của Việt Nam khi các hạn chế dần được gỡ bỏ. Theo khảo sát “Chào đón du lịch trở lại” của Agoda, hơn 50% du khách Việt Nam hy vọng sẽ được đi du lịch trước cuối năm nay, trong đó nhiều người muốn đi ngay trong tháng đầu tiên, thậm chí có 5% chia sẻ rằng sẽ “xách balo lên và đi” ngay lập tức. Tỉ lệ này cao hơn so với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á như Philippines (44%) và Malaysia (48%).
Vị đại diện chia sẻ, đây cũng là điều tương tự các thị trường khác, chẳng hạn lượt tìm kiếm phòng khách sạn ở Australia tăng 20% khi Chính phủ nước này cho phép cách ly tại nhà. Ở Việt Nam, cung đường phía Đông Bắc như Hà Giang và vùng lân cận đang thu hút và dần trở thành điểm du lịch thú hút giới xê dịch. Các điểm đến ở vị trí top tìm kiếm và đặt phòng của Agoda là TP HCM, Hà Nội, Vũng Tàu, Đà Lạt, Đà Nẵng và Nha Trang.
Du khách thận trọng hơn trong đợt dịch thứ tư
Về những rào cản khi du lịch sau đợt dịch thứ tư, chị Huyền Trang cho biết chi phí không phải là một yếu tố, vì trong thời gian qua gia đình chị vẫn may mắn có đầy đủ nguồn thu nhập. Dù vậy, chị cũng có hứng thú hơn với khách sạn, khu nghỉ dưỡng có chính sách khuyến mãi, ưu đãi.
Điều chị cũng như nhiều du khách khác quan tâm nhất là được tiêm 2 mũi vaccine, có thẻ thông hành xanh để thuận tiện di chuyển mà không cần xét nghiệm ở mỗi nơi một lần, gây tốn kém chi phí. “Tôi lo lắng việc mắc kẹt ở điểm du lịch nếu dịch bùng phát, vì vậy tôi sẽ chờ tới khi có quy định chung cho việc di chuyển để đi du lịch”, chị nói và mong các du khách khác cũng như nhân viên ở nơi đến được tiêm đủ liều vaccine để yên tâm hơn.
Với Huyền Trân, chị sẽ chọn những chuyến đi 2-3 ngày. Quyết định sẽ không đưa ra vội vàng mà tùy vào tình hình thực tế như lượng khách đến nơi nào đó, cháy vé cháy phòng, điểm đến mong muốn có còn trong vùng dịch hay không. Chị cho biết qua đợt dịch thứ tư, du khách với những tổn thương về kinh tế và tinh thần sẽ cẩn trọng hơn trong việc đặt dịch vụ, yếu tố an toàn như vị trí biệt lập, nhân viên đã tiêm vaccine, buồng phòng được khử khuẩn và quy trình đón khách 5K. Thời gian này chị cũng mong đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch sẽ chuẩn bị chu đáo để đón khách, đặc biệt là lưu trú và vận chuyển. Sau nhiều tháng mới được đi du lịch, không ai muốn xe trục trặc hay phải ngửi mùi hôi mốc trên ghế xe, buồng phòng.
Tâm lý thận trọng sau đợt dịch thứ tư cũng được thể hiện qua khảo sát của Agoda và VnExpress. Hơn 40% người trả lời câu hỏi của Agoda về thời điểm du lịch cho biết còn e ngại và chờ 2-4 tháng để dịch tạm lắng, thậm chí là đợi đến khi tỷ lệ tiêm vaccine lên đến 80% thì họ sẽ đặt phòng cho chuyến du lịch của mình. Tương tự, khoảng 60% số người được khảo sát trên VnExpress muốn lùi thời gian du lịch ít nhất đến cuối năm khi dịch được kiểm soát tốt hơn, số người nhiễm Covid-19 giảm hoặc khi đã đạt miễn dịch cộng đồng.
Đa phần số người tham gia khảo sát cho biết họ mong các nhà cung cấp dịch vụ du lịch sẽ có những quy trình nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe trước khi mọi người đi du lịch. Họ mong muốn khách du lịch, bao gồm cả chính họ được tiêm ít nhất một mũi vaccine trước khi tham gia các hoạt động như đến khách sạn, đi xe bus, máy bay trở lại. Du khách cũng muốn hạn chế tiếp xúc với các nhà cung cấp dịch vụ du lịch và mong có những điều khoản linh hoạt về thanh toán và hủy hoặc điều chỉnh đặt phòng trong tương lai.
Ngoài những mong muốn về điểm đến an toàn, độ phủ vaccine, theo ông Nguyễn Tiến Đạt, “thẻ thông hành xanh” cũng được xem là yếu tố quyết định chuyến đi. Hiện nay mỗi địa phương, tỉnh thành lại có quy định đón khách khác nhau, gây ra những khó khăn cho cả du khách và doanh nghiệp.
“Trong năm 2019, Việt Nam đón 85 triệu lượt khách nội địa và 18 triệu lượt khách quốc tế (con số của năm 2020 là 56 triệu và 3,8 triệu). Trong dịch Covid-19, nhu cầu của khách nội địa vẫn rất lớn và có thể xem là “oxy” cho những doanh nghiệp đang “hấp hối”. Vì vậy song song với việc áp dụng hộ chiếu vaccine để đón khách quốc tế, chúng tôi cho rằng cần sớm tạo điều kiện cho khách trong nước đã tiêm đủ 2 mũi vaccine du lịch trở lại trên nguyên tắc đảm bảo an toàn”, ông nói.
Lan Hương