Thăm Ethiopia, Quỳnh Anh gặp bộ tộc Mursi với tục đeo đĩa gỗ hoặc gốm vào môi, song họ hung dữ và xua đuổi người tiếp cận.
Nguyễn Quỳnh Anh, sống tại Hà Nội, đến Ethiopia, một đất nước ở Đông Phi vào tháng 10/2019, khi đã qua mùa cao điểm du lịch và tiết trời khá giống mùa thu Hà Nội. Dưới đây là chia sẻ về hành trình gặp bộ tộc Mursi của anh Quỳnh Anh.
Qua bạn bè giới thiệu, chúng tôi thuê xe của một người địa phương và cũng là một “phượt thủ” đích thực tên Binyam. Anh dẫn chúng tôi đi cùng, chạy xe thẳng từ thủ đô Addis Ababa xuống thung lũng Omo ở phía Nam với quãng đường khoảng 600 km. Đây là nơi sinh sống của nhiều bộ lạc sống tách biệt với thế giới hiện đại, cũng chính là mục đích chính của chuyến tham quan.
Sau một đêm nghỉ tại Jinka và đi lại khắp thung lũng, chúng tôi may mắn bắt gặp một nhóm nhỏ người Mursi, bộ lạc di cư chủ yếu sống bằng nghề chăn gia súc và canh tác bên dòng sông.
Dọc đường Binyam kể rất nhiều về những con người ở bộ tộc này, họ là những con người hung dữ, không thích tiếp xúc với người lạ, đặc biệt là khách du lịch. Hiện có khoảng 7.500 người Mursi sống ở vùng thấp của thung lũng Omo. Khi gặp, đúng như lời kể, những người đàn ông rất hung dữ và xua đuổi bằng cây xiên khi chúng tôi cố gắng tiếp cận. Điều này quả thực khó khăn và nguy hiểm.
Sau một lúc lâu trò chuyện thông qua Binyam, chúng tôi mới được trưởng làng cho phép tiếp cận. Trưởng làng trẻ nhưng là người được kính trọng nhất trong làng của họ. Anh ta cởi mở hơn với những nụ cười trên môi, chụp ảnh cùng chúng tôi.
Hiện hiếm có tour riêng khám phá đời sống của bộ tộc Mursi. Để vào làng của người Mursi, thường khách du lịch phải tìm người bản địa làm thông dịch viên, trong một số trường hợp cần cả cảnh sát có súng phòng vệ.
Đúng như tôi đã tìm hiểu, những người phụ nữ của bộ tộc có trang sức đặc biệt, là đĩa gốm hoặc lỗ lồng vào một lỗ khoét ở môi dưới. Cũng giống như xỏ khuyên tai nhưng chiếc lỗ này lớn hơn rất nhiều. Họ được mẹ hoặc những người phụ nữ trong cộng đồng lồng đĩa vào môi từ độ 15-16 tuổi, lỗ khoét được cố định bằng miếng gỗ nhỏ cho đến khi lành hẳn. Quá trình này rất đau đớn song là tục lệ nên ai cũng phải tuân thủ. Sau này những chiếc đĩa tròn càng lớn hơn, làm vết cắt môi dưới càng rộng ra. Chiếc đĩa càng to càng thể hiện sự quyến rũ của người phụ nữ.
Các cô gái chưa chồng và phụ nữ mới cưới thường đeo đĩa môi hơn là những phụ nữ lớn tuổi đã lập gia đình và có con. Chúng thường được đeo trong các dịp như phục vụ đồ ăn cho nam giới, vắt sữa bò và các nghi lễ quan trọng như đám cưới, lễ hội.
Tôi cũng được tìm hiểu thêm về ý nghĩa của môi đĩa, ngoài biểu tượng của vẻ đẹp. Chiếc đĩa trên môi thể hiện niềm tự hào lớn khi phục vụ đồ ăn cho chồng. Nếu người chồng chết, tấm môi sẽ bị loại bỏ vì vẻ đẹp bên ngoài của người phụ nữ được cho là phai nhạt sau khi anh ta qua đời.Chiếc đĩa trên môi cũng là một dấu ấn mạnh mẽ về bản sắc của Mursi, nếu không có nó, họ có nguy cơ bị nhầm thành thành viên của bộ tộc khác.
Nam giới người Mursi khi trưởng thành phải trải qua một nghi thức, cuộc chiến trên gậy dong. Cây gậy được làm dài khoảng 1,5-2 m và ở cuối của nó được chạm khắc hình dương vật, điều này cho thấy đây là một người đàn ông độc lập chứ không phải một cậu bé. Cây gậy cũng dùng để giải quyết tranh chấp, kể cả với phụ nữ. Trong cuộc thi dành cho các chú rể, người chiến thắng sẽ giành được cô gái tốt nhất làng. Vì công việc chủ yếu là chăn thả gia súc, họ sử dụng chiếc chiếc gậy dong như một món vũ khí để bảo vệ gia súc cũng như bảo vệ chính bản thân mình.
Trong chuyến đi, tôi cũng ghé thăm nhiều bộ tộc khác như Hamer, Himba, Masaai, Karo… Ngày nay, cuộc sống của họ đang dần biến đổi vì những công trình hiện đại tiến sâu vào miền Nam đất nước. Những con đường hiện đại cũng giúp họ cải thiện kinh tế và tiếp cận văn minh hơn khi buôn bán gia súc, mua vải, thuốc, nông cụ… Song họ vẫn giữ nguyên những bản sắc, tục lệ riêng, điều ấy làm tôi biết rằng trên thế giới này, cuộc sống của mỗi vùng đất lại đa dạng, kỳ thú đến vậy.
Nguyễn Quỳnh Anh