Gia LaiĐộc giả Tạ Thị Hoà chia sẻ hành trình chi tiết chinh phục đỉnh Chư Nâm, nơi thiên nhiên bình yên ít in dấu con người.
Lớn lên ở Pleiku nhưng hiện tôi sống ở thành phố khác. Thông tin về các thắng cảnh đi bộ dã ngoại của quê hương luôn thu hút và thôi thúc tôi trải nghiệm khi có dịp. Đặc biệt, tôi hứng thú với Chư Đăng Ya và Chư Nâm – hai ngọn núi phổ biến khoảng 5 năm gần đây với trải nghiệm ngắm mùa hoa dã quỳ cuối năm hoặc cắm trại trên đỉnh núi chờ ngắm mặt trời mọc.
Từng trải nghiệm các chuyến dã ngoại nhiều ngày có cắm trại, tôi thấy những chuyến đi như vậy cần tổ chức theo nhóm với chuẩn bị và phân công nhiệm vụ rõ ràng. Cá nhân tôi thích những chuyến đi về trong ngày, cự ly di chuyển khoảng 5 đến 20 km để chủ động về thời gian, hành trang gọn nhẹ và đáp ứng nhu cầu rèn luyện, thư giãn.
Dù là đi bộ dã ngoại trong ngày, tôi luôn tìm hiểu trước các thông tin cơ bản về điểm xuất phát, hướng đi, khoảng cách, khả năng hoàn thành mục tiêu… Nhưng khi muốn đi bộ lên đỉnh Chư Nâm tôi nhận được chia sẻ của các bạn đi trước khá chung chung như “thích leo từ đâu cũng được”, “cứ thế mà đi thôi”, “thấy chỗ nào gửi xe gần nhất thì gửi”… Hoặc gợi ý đi từ hướng đập Tân Sơn lên, nhưng không hướng dẫn địa điểm xuất phát cụ thể.
Chia sẻ thông tin chính xác về mỗi chuyến sẽ có giá trị tham khảo đối với nhiều người – nhất là các địa điểm dân còn thưa thớt và ít thông tin như Chư Nâm. Tôi hy vọng hành trình đi bộ lên đỉnh Chư Nâm dưới đây sẽ phần nào có ích cho các bạn đam mê khám phá lên kế hoạch chinh phục đỉnh núi này.
Điểm xuất phát từ làng Ia Gri
Dưới chân đỉnh núi Chư Nâm là làng Ia Gri (xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Pah) của bà con đồng bào Jrai. Theo cổng thông tin điện tử tỉnh Gia Lai, làng có 93 hộ dân. Tôi mừng khi thấy đường bê tông đã trải đến tận các căn nhà ở sâu gần chân núi.
Tôi đáp xe máy vào sân một ngôi nhà nằm giữa vườn cà phê ở cuối đường bê tông dẫn vào làng. Chủ nhà là cô gái trẻ người Jrai mở cửa, gật đầu đồng ý khi tôi hỏi xin phép gửi xe để đi leo núi. Nghĩ chủ nhà sau đấy có thể sẽ đi vắng hay vào rẫy, nên tôi gửi ngay 20.000 đồng cám ơn đã cho gửi xe.
Tôi chỉ về sườn Chư Nâm hướng sát với Chư Đăng Ya hỏi thăm đường này lên núi được không. Chủ nhà đáp: “Đi được nhưng dốc lắm sợ chị đi không nổi, chị đi hướng bên kia”. Cô tay chỉ về hướng có cổng bê tông ngói đỏ nằm giữa vườn cà phê với khoảnh rẫy khoai mì, dong riềng. Đây là cổng vào nghĩa trang của làng, đếm sơ sơ chỉ có vài ngôi mộ, không thấy bóng dáng nhà mồ theo truyền thống của người Jrai nữa.
Từ nghĩa trang, tôi hướng tới đám cây bạch đàn ở chân núi theo lời chỉ của một bà mẹ trẻ Jrai dẫn hai con đi thăm mộ dịp cuối năm. Cậu con trai lớn chừng 8-9 tuổi hỏi: “Có mình chị đi à?”, giọng thật dễ thương. Khi tôi rủ đi cùng, cậu nhoẻn cười hơi bối rối.
Đường lên đẹp nhưng gắt
Lần lượt tôi chìm vào lớp cỏ đuôi chồn, bạch đàn, lớp rừng thông ba lá, lớp “vườn đá” từ thấp đến cao. Các lớp rừng được nối với nhau bằng con đường mòn hơn 3 km có dấu chân của bà con Jrai và của cả những lữ khách leo núi.
Trong rừng thông có tiếng chim hót, tiếng suối chảy lúc xa lúc gần, thỉnh thoảng có tiếng tắc kè khiến tôi phải dừng lại ngóng nghe. Đi được khoảng một phần tư quãng đường, tôi gặp một vũng nước xung quanh rào bằng các thanh tre. Nước từ trong mạch chảy ra róc rách. Từ vũng nước có đường ống thô sơ dẫn chảy xuống dưới núi. Từng nghe về lễ cúng Giọt nước của người Jrai, tôi nghĩ đoán đây là mạch nước của làng Ia Gri nên không phạm vào.
Từ rừng thông chuyển qua lớp “vườn đá”, đường dốc. Tôi khá vất vả để leo dù ba lô nhẹ tênh chỉ vài chai nước và vật dụng y tế cơ bản, mũ, áo sơ cua. Canh cửa khu vườn là một tảng đá hình như khỉ đột. Trong không khí se mát trên lưng chừng núi, người tham quan được ngắm nhìn những bonsai, tượng đá do thiên nhiên và mưa nắng tạo tác.
Ngồi nghỉ trên một tảng đá, phóng tầm mắt ra xung quanh bạn sẽ thấy hình dáng của núi Chư Đăng Ya, bắt được mùi lúa non của cánh đồng Chư Jôr, thấy lấp lánh phần phía bắc của Biển Hồ.
Đỉnh Chư Nâm vẫn ở phía trước, tôi phải cố gắng thoát khỏi sự mê hoặc của vườn đá và tiếp tục đi. Một phần tư chặng đường cuối do xói mòn nên chỉ còn cây cỏ bụi. Đường rất dốc và có những khúc dễ trơn trượt. Ai không tự tin với độ cao thì nên cân nhắc đi cùng công ty tổ chức chuyên nghiệp.
Đỉnh Chư Nâm với tôi là một khu vườn đầy cỏ cây hoa lá tinh khôi, mát mẻ. Ai đó đồng cảm đã viết dòng chữ “vườn thiên đàng” bằng phấn lên một tảng đá. Bước xuyên qua khu vườn, tôi nghĩ Chư Nâm là nơi mọi linh hồn có thể chạm đến. Và Chư Nâm đã chạm vào linh hồn tôi một cách sâu sắc.
Nhờ được bà con Jrai tốt bụng chỉ đường và có sức khỏe do thường xuyên tập cardio, tôi đã hoàn thành đi bộ lên Chư Nâm và đi xuống trong 4 tiếng. Xuất phát từ chỗ gửi xe lúc 10h, tôi đi mất 1 tiếng 50 phút để đến vị trí tảng đá có gắn thập tự. Thiết bị tập luyện tôi mang theo có GPS để hỗ trợ đo khoảng cách và thời gian. Theo thiết bị này, vị trí tôi bắt đầu đi có độ cao 805 m và dừng lại có độ cao là 1.383 m so với mặt nước biển. Có lẽ đi bộ xa thêm chút nữa thì có thể có điểm cao hơn, vì độ cao của Chư Nâm theo Google Maps là khoảng 1.400 m.
Lượt xuống đỡ tốn sức hơn, nhưng tôi lại mất dấu đường mòn nên đi vòng mất 600 m. Lượt xuống dễ đi nhầm vì có lúc đường mòn quanh co và các dấu mốc ở dưới bị khuất. Tuy vậy, thời gian xuống cũng tương đương lượt đi lên.
Những ngày cuối tháng 1 nền nhiệt độ của Gia Lai khá cao, 31 độ C. Tôi phải đợi ngày có nền nhiệt thấp hơn, 28-29 độ C để đi cho bớt nắng. May mắn là ngày nhiều mây nên lúc tôi xuống núi tầm trưa cũng không bị nắng, nóng.
Nếu bạn có kế hoạch chinh phục Chư Nâm thì có thể bắt đầu sớm hơn, tầm 8h sáng để có thể hoàn thành trong buổi sáng. Ngoài ra, như đã chỉ ra ở trên bạn cố gắng nhớ các dấu chỉ đường để khi quay xuống không đi lòng vòng.
Cuối cùng, hãy mặc quần áo dài tay co giãn tốt để dễ cử động và tránh trầy xước vì các loại cây cỏ cao có gai. Nếu có điều kiện thì nên mang theo đôi giày leo núi để bảo vệ cổ chân và đỡ trơn trượt.
Độc giả Tạ Thị Hòa