Chuyến đạp xe từ Hà Nội vào Cà Mau để lại cho Mận sẹo trên trán, làn da rám nắng nhưng cô được ngắm trọn vẹn cảnh đẹp, quen nhiều bạn mới.
Những ngày này khi số ca Covid-19 ở Hà Nội tăng mạnh, Nguyễn Mận (32 tuổi) bắt xe khách lên TP Hà Giang, rồi đạp xe tới Sa Pa, Y Tý (Lào Cai). Lần này cô đạp xe 10 ngày, băng hàng trăm km đường đèo, có những đoạn dốc liên tục dài tới 15 km. Đạp xe đã thành thói quen của Mận kể từ chuyến xuyên Việt nhiều trải nghiệm tháng 3/2021.
Những điều phải hy sinh trên 2.200 km đường
Chuyến đi của Mận bắt đầu rất ngẫu nhiên, chỉ từ lời rủ rê của nhóm bạn trước Tết Tân Sửu. Khi ấy trong lòng biết bạn mình nói vui, cô quyết tâm chỉ có một mình cũng lên đường. “Mình vốn là người thích khám phá, lại đến cái tuổi lấy chồng, chuyến xuyên Việt là món quà mình dành bản thân. Ai rồi cũng có một thời con gái, mình không muốn tuổi 30 của tôi trôi đi không một dấu ấn”, cô nói.
Chi phí là điều đầu tiên Mận mất dù chưa lên đường. Cô chi khoảng 9 triệu đồng để mua một chiếc xe đạp cùng phụ kiện, chiếc xe này có thể chở theo nhiều hành lý, phù hợp với người thích mặc đẹp như cô. Sau khi tập đạp xe khoảng 5 buổi, dù còn thiếu kinh nghiệm, Mận quyết tâm lên đường. Cô không nói với ai về hành trình của mình, kể cả bố mẹ vì biết sẽ nhận được sự khuyên cản.
Mang theo hành lý khoảng 15 kg gồm quần áo đủ cho mỗi hôm một bộ, giày dép, đồ sửa xe, cô gái Mận 42 kg cùng bạn khởi hành từ Hà Nội. Tới Vĩnh Phúc, cô nhập đoàn với 10 thành viên khác. Tự tin vì có sức khỏe sau nhiều năm tập gym đều đặn, cô nghĩ đạp xe đơn giản nhưng chưa lường trước những khó khăn mình gặp phải khi đạp xe đường trường, qua nhiều địa hình khác nhau. Đoàn của cô gồm các thành viên đạp xe chuyên nghiệp, nên ngày đầu tiên họ đặt mục tiêu đạp 100 km từ Hà Nội tới Ninh Bình. “Mọi người đạp nhanh hơn nên mình phải dốc sức bám theo, khi mọi người đã nghỉ thì mình vẫn phải cố gắng đạp tiếp”, chị kể.
Ngày tiếp theo Mận có thể đạp xe hơn 200 km, từ Ninh Bình tới Nghệ An, thăm khu di tích Kim Liên (huyện Nam Đàn) quê Bác và 80 km từ đó tới hồ Kẻ Gỗ ở Hà Tĩnh. Từ đây cô và bạn chia tay với các thành viên vì sợ ảnh hưởng tới tốc độ di chuyển của đoàn. Cô chia sẻ, tới 4-5 ngày khi dần quen chân, tốc độ của cô tốt hơn, có thể điều khiển sức lực phù hợp.
Trong 23 ngày, cô đạp xe qua Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Hội An, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên… tới Cà Mau, TP HCM. Cô chia sẻ đi để khám phá, không quan trọng phải đạp nhanh nên cung đường đôi khi theo đường zigzag. Cô tới thăm nhiều danh lam thắng cảnh, di tích như Đại nội Huế, vịnh Lăng Cô, phố cổ Hội An, lên tàu đi đảo Lý Sơn, vịnh Vũng Rô, vịnh Vĩnh Hy, tháp Chàm, Đà Lạt…
Đạp xe đường dài nên sự an toàn luôn được cô đặt lên hàng đầu, sáng nào cô cũng dậy sớm để kiểm tra phanh, vệ sinh xích líp. Khi gặp trục trặc thì phải dừng xe giữa đường để sửa chữa, làm những việc trước kia cô chưa từng động tay. “Nhiều người nói tôi rảnh, đi chơi sung sướng nhưng thực chất tôi cũng đánh đổi thời gian và công sức cho trải nghiệm của mình”, cô nói.
Điều mà cô thấy mình hy sinh nhất trong chuyến đi này là nhan sắc. Ở ngày thứ 4 trong hành trình, vì kỹ thuật đạp xe chưa tốt, khi đến Đông Hà, Quảng Trị thì cô ngã xe. Kính mắt bị vỡ đâm vào trán một vết sâu, máu chảy ướt đẫm chiếc áo phông cô mặc. Cô khóc nức nở không phải vì đau mà sợ ước mơ tuổi 30 không thể hoàn thành và sau này ít có thời gian, cơ hội để thực hiện.
Mận được bạn đưa vào viện xử lý vết thương, khi vừa đỡ choáng váng, câu đầu tiên cô hỏi là chiếc xe có hư hỏng không. Bỏ qua ý nghĩ sẽ về Hà Nội, hôm sau cô cùng bạn lên đường. “Vết thương chưa kín miệng đau và nhức lắm nhưng dường như vì khao khát đạt mục tiêu mà tôi quên nó”, cô nói về vết sẹo vẫn theo cô tới nay.
Vì mê cảnh đẹp, cô dường như quên đi cái nắng gay gắt của miền Trung. Hay lần cô đạp xe gần 140 km từ Nha Trang tới Đà Lạt, có tới 60 km là đường đèo liên tục. Dưới ánh nắng gay gắt trên đèo, cô di chuyển với tốc độ khoảng 3 km/giờ, dùng cả lực hông để đạp vì biết dắt bộ với đồ nặng sẽ càng mệt hơn. 12 tiếng liên tục đạp xe, vừa đi vừa an ủi mình sắp đến đích, cô vẫn khóc vì mệt. Trên đường đi cô mang theo 1,5 lít nước, cứ hết lại đổ thêm để uống và không ăn được nhiều. Kết thúc hành trình, làn da cô sạm đen, gầy hơn vài kg.
Sau một hành trình
“Nhiều khi tôi tự hỏi vì sao mình phải vất vả đạp xe như vậy và câu trả lời duy nhất chỉ là mình thích thôi”, cô nói. Trước đây cô từng đi phượt bằng xe máy, ôtô nhưng chỉ đến khi đạp xe, cô mới có trải nghiệm chân thật và chậm rãi hơn. Cô yêu thích nhất là qua cung đường biển Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn… khi được cảm nhận vẻ đẹp bằng mọi giác quan, khi sóng biển vỗ bên tai, vị mằn mặn của biển lan trong gió. Một điểm đến cô yêu thích là Đà Lạt, bởi ở đây có khí hậu mát mẻ, nhịp sống chậm rãi cùng khung cảnh lãng mạn với rừng thông, hồ Tuyền Lâm trong sương giăng.
Cũng nhờ những tình huống bất ngờ trong chuyến đi, cô học cách sống chậm hơn, không hay nổi nóng như trước. Như lần đạp xe qua Nha Trang, Khánh Hòa và vịnh Vĩnh Hy, Ninh Thuận rất khó khăn. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hàng quán đóng cửa, cô đạp xe xuyên trưa giữa cái nắng bỏng rát. Đạp xe từ 9h đến 16h cô mới có chỗ nghỉ ăn trưa nhưng cô vẫn vui vì ngắm vẻ đẹp biển hoang sơ, ấn tượng.
Cũng nhờ đạp xe mà cô nhận được nhiều tình cảm, sự giúp đỡ của người dân, bạn bè mới quen dọc đất nước, đặc biệt là miền Trung. Trên nhiều đoạn đường, cô được trẻ em, người lớn tuổi vẫy tay chào, hỏi thăm, đây là những điều ít gặp khi đi ô tô, xe máy. Các thành viên trong hội đạp xe theo dõi hành trình của cô trên mạng xã hội mời tới nhà dùng bữa, nghỉ ngơi. Tuy nhiên phần lớn cô khéo léo từ chối, chỉ đến nhà những ai thực sự thân thiết như ở Hội An.
Ngày thứ 23, sau khi đặt chân tới mũi Cà Mau, cô vỡ òa trong hạnh phúc vì công sức bỏ ra đã được đền đáp. Với cô, cảm giác này hạnh phúc hơn cả sự kiện trọng đại cách đây hơn chục năm, thi đỗ đại học. Hôm sau, cô đạp xe trở lại TP HCM chơi và đặt vé máy bay về Hà Nội.
“Chuyến xuyên Việt đã mang cho tôi nhiều trải nghiệm hiếm có trong đời, tôi cũng học cách kiên cường, bình tĩnh trước mọi tình huống. Đặc biệt tôi học được cách buông bỏ những lo toan, nỗi sợ, trốn khỏi công việc để sống hết mình với ước mơ”, cô nói. Sắp tới, Mận sẽ tiếp tục khám phá những điểm đến quanh Hà Nội bằng xe đạp.
Kể từ sau hành trình xuyên Việt, Mận thực sự coi xe đạp là một phương tiện di chuyển, để đi làm, đi chơi. Hiện cô có thể thoải mái mặc váy, quần áo đẹp khi đạp xe, mặc kệ nhiều người có ánh nhìn tò mò. “Khi mình đã thực sự coi xe đạp là phương tiện thì mặc gì cũng có thể đạp, không nhất thiết phải là quần áo thể thao”. cô cười và nói.
Cô cũng đã chọn cho mình một chiếc xe tốt hơn, đạp không quá tốn sức. Trong chuyến đi Đông Tây Bắc lần này, Mận đạp xe một mình. Nhiều người thấy cô vất vả vượt đèo thì ngỏ ý cho đi nhờ xe ôtô, tuy nhiên cô từ chối vì đây không phải chuyến đi để check-in.
Lan Hương
Ảnh: NVCC