Hình ảnh điểm đến du lịch Bắc Trung Bộ chưa được xây dựng tốt so với tiềm năng do đó không thu hút tốt nguồn vốn đầu tư từ châu Âu, theo ông Martin Koerner, Chủ tị
Diễn đàn liên kết phát triển du lịch “Hội tụ tinh hoa – Nâng tầm điểm đến” có sự tham gia của các lãnh đạo bộ, ban, ngành, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước, với sự đồng hành của Tổng công ty Hàng không Việt Nam – Vietnam Airlines. Khai mạc diễn đàn, bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP HCM kỳ vọng liên kết này sẽ tăng doanh thu, định vị du lịch giữa các địa phương Hà Nội, TP HCM và vùng Bắc Trung Bộ mở rộng trong thời gian tới.
Bà Thắng cũng kiến nghị 4 mục tiêu phát triển du lịch ngay sau khi 3 địa phương, vùng này ký kết. Cụ thể, các địa phương cần quảng bá xúc tiến du lịch nhằm gia tăng lượng khách, doanh thu du lịch; chủ động kết nối để doanh nghiệp tạo ra các chuỗi sản phẩm chất lượng; Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch/Sở Du lịch các tỉnh cần chủ động tham mưu cơ chế để việc liên kết nhịp nhàng, hiệu quả; đào tạo nguồn nhân lực để nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ từng địa phương, trong đó, TP HCM cam kết phối hợp với các địa phương để đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch.
Đại diện địa phương đăng cai sự kiện, ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, diễn đàn tạo tiền đề cho việc hình thành, khai thác các sản phẩm du lịch liên tỉnh, liên vùng góp phần kích cầu thị trường du lịch, từng bước khẳng định dấu ấn, bản sắc của du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch quốc tế.
Ông Martin Koerner, Chủ tịch Tiểu ban Du lịch – Nhà hàng – Khách sạn, Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu (Eurocham) cho rằng, Việt Nam hiện chưa có dòng đầu tư du lịch mạnh mẽ từ châu Âu. Theo đó, ông Koerner đưa ra 3 đề xuất để nâng tầm du lịch Việt Nam, thu hút khách du lịch cũng như đầu tư du lịch nhiều hơn. Đó là quảng bá nhiều hơn hình ảnh điểm đến; thích ứng và thay đổi theo hành vi du lịch của khách hàng; kết hợp chặt chẽ với các công ty điều hành, đại lý du lịch để phát triển sản phẩm du lịch; xây dựng tiêu chuẩn về thương hiệu, cơ sở hạ tầng tốt hơn, có đội ngũ hướng dẫn du lịch được đào tạo chuyên nghiệp để thu hút khách du lịch.
Về phía doanh nghiệp, Phó Tổng giám đốc điều hành Tổng công ty Du lịch Sài Gòn Trương Đức Hùng nhận định du lịch vùng Bắc Trung Bộ mở rộng còn nhiều tiềm năng, triển vọng phát triển cả chiều rộng và chiều sâu trên cơ sở liên kết với TP HCM.
Trong nhiều năm qua, Saigontourist Group đã tiên phong triển khai nhiều hoạt động liên kết du lịch, đầu tư, góp phần tích cực trong quá trình phát triển kinh tế xã hội nói chung và ngành du lịch nói riêng tại khu vực này. Hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng Saigontourist Group với các sản phẩm, dịch vụ du lịch phong phú tiếp tục mở rộng, thu hút số lượng lớn du khách quốc tế, nội địa đến các địa phương, nhằm triển khai cụ thể chương trình hợp tác, liên kết, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội giữa TP HCM và các tỉnh, thành, vùng Bắc Trung Bộ mở rộng.
Còn bà Tạ Thị Tú Uyên, Phó Giám đốc Ban Sản phẩm và Dịch vụ Vietravel cho rằng vai trò của liên kết du lịch vùng đóng vai trò quan trọng trong phát triển sản phẩm, cùng hỗ trợ nhau để thúc đẩy hoạt động liên kết sâu rộng, hiệu quả. Từ đó, các địa phương sẽ thúc đẩy, tận dụng được tiềm năng vốn có. Liên kết vùng còn hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp nâng tầm dịch vụ, chất lượng nhân lực, biến khó khăn thành lợi thế.
Với tiềm năng lớn về du lịch, Giám đốc Truyền thông – Marketing TST Tourist Nguyễn Minh Mẫn giới thiệu 5 sản phẩm du lịch đặc sắc của TP HCM gắn với 5 trục tour. Đầu tiên là sản phẩm citytour trong nội đô thành phố với chủ đề “Cảm xúc Sài Gòn” mang tới sản phẩm du lịch thăm quan các công trình văn hoá, ẩm thực mua sắm… Thứ hai là, tuyến trung tâm thành phố – phía Tây Bắc, chủ đề “Màu xanh trên vùng đất thép” với điểm nhấn là quận Củ Chi, Hóc Môn. Thứ ba là tuyến trung tâm thành phố – phía Đông Nam có ưu thế phát triển sinh thái với đô thị xanh, du lịch sông nước, văn hoá cộng đồng gắn với khu dữ trữ sinh quyển quốc gia mang chủ đề “Thiên nhiên tươi đẹp”. Sản phẩm thứ tư gồm tuyến trung tâm thành phố – TP Thủ Đức có chủ đề “Thành phố xanh bên sông Sài Gòn”, mang tới cho khách du lịch trải nghiệm nhịp sống đô thị phát triển với các giá trị văn hoá lịch sử đặc sắc và ẩm thực đa dạng. Cuối cùng là tuyến trung tâm thành phố – phía Nam đi qua các điểm đến Tân Bình – Tân Phú – Quận 11 – Quận 8 và Bình Thạnh với sản phẩm du lịch y tế sức khoẻ, vườn sinh thái và du lịch mệt vườn. Bên cạnh việc phát triển tuyến du lịch, các sản phẩm du lịch như trải nghiệm du thuyền “Ngắm hoàng hôn trên sông Sài Gòn”, hành trình lịch sử “Theo dấu chân biệt động Sài Gòn”, “Màu xanh trên vùng đất thép Củ Chi”… giúp phát triển và khai thác tối đa thế mạnh du lịch của TP HCM hướng tới tính “độc đáo, hấp dẫn, khác biệt”.
Chia sẻ thực trạng khai thác đường bay và phương hướng mở rộng mạng bay với mục tiêu phát triển kinh tế, du lịch khu vực Bắc Trung Bộ mở rộng, ông Nguyễn Minh Tâm – Phó Trưởng ban Tiếp thị bán sản phẩm Vietnam Airlines cho biết, dự kiến tháng 10 năm nay, doanh nghiệp sẽ quay trở lại thời điểm trước đại dịch. Tuy nhiên, về mạng bay quốc tế, đến nay Vietnam Airlines vẫn chưa kết nối lại đường bay với Trung Quốc và Myanmar do chính sách chống dịch của các nước này. Hiện, Vietnam Airlines mở mới hai đường bay là đường bay thẳng đến Mỹ và Ấn Độ.
Đối với đường bay nội địa, hãng đã mở 54 đường bay, bao gồm cả các điểm đến Bắc Trung Bộ, một trong những điểm đến quan trọng của Vietnam Airlines. Trong nửa cuối năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, hãng sẽ tập trung quảng bá, mở rộng thêm các đường bay quốc tế để thu hút khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam. Số đường bay của Vietnam Airlines đã tăng gần 40% so với năm 2019.
Kết thúc phần tham luận, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch Đoàn Văn Việt nhận định hoạt động du lịch ghi nhận sự sôi động lại trên cả nước. Về lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm còn hạn chế, Thứ trưởng cho biết sẽ không điều chỉnh chỉ tiêu, chờ sự tăng trưởng nhanh chóng trong 6 tháng cuối năm. Từ đó, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch nêu rõ 5 nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển du lịch vùng Bắc Trung Bộ: sản xuất sản phẩm mới; quảng bá, xúc tiến du lịch; thúc đẩy liên kết vùng; phát triển nguồn nhân lực; ứng dụng khoa học công nghệ trong ngành, đầu tư phát triển du lịch.
Phần sau chương trình là Lễ ký kết Thỏa thuận Hợp tác phát triển du lịch giữa 29 doanh nghiệp đến từ TP HCM và Hà Nội cùng địa phương vùng Bắc Trung Bộ mở rộng. Lễ ký kết khẳng định sự chung tay của các doanh nghiệp trong việc đồng hành phát triển các hoạt động du lịch liên tỉnh, liên vùng.
Tại diễn đàn, ban tổ chức cũng tiến hành trao 60.000 lá cờ trong chương trình “Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển”. Sau hơn 3 năm thực hiện chương trình, đến nay, 865.220 lá cờ đã được trao đến tay ngư tạo động lực giúp người dân yên tâm vươn khơi bám biển, khẳng định chủ quyền Việt Nam.
Thanh Thư