IndonesiaĐáp máy bay xuống Bali, Minh Phụng liên tục tự hỏi bản thân có phải mơ không vì đã chờ đợi suốt 3 năm.
“Nếu theo trái tim mách bảo, tôi sẽ thức dậy ở Bali“. Một người bạn đã nói với Minh Phụng (31 tuổi, TP HCM) như vậy, khiến anh luôn mơ ước được đến hòn đảo này một lần trong đời.
Phụng lên kế hoạch từ 3 năm trước, song Covid-19 bùng phát khiến chuyến đi bị gác lại. Bali trở thành nỗi ám ảnh trong Phụng. Anh nhìn thấy hình bóng của hòn đảo chưa một lần đặt chân tới, cả khi đi Hà Giang, Đà Lạt… chỉ bởi một con đường đầy hoa, hay hàng thốt nốt. Hết dịch, cuối cùng Phụng cũng được đến Bali giữa tháng 7. Xuống máy bay, anh vẫn tự hỏi liệu có phải mơ không. “Từ lúc quyết định đi, trong vòng ba tháng liên tục, mình hay nằm mơ thấy Bali”, Phụng kể.
Hành trình kéo dài tròn một tuần, tới Nusa Penida, Ubud và Kuta, song Bali rất rộng, từng đấy thời gian chỉ giúp Phụng đi hết một phần ba. Anh cho rằng thời gian lý tưởng để khám phá Bali là một tháng. Thời điểm đẹp nhất là hai tháng 7 và 8. Đây là lúc Bali mới chỉ có những cơn mưa bất chợt, còn sang tháng 9, tháng 10, là mùa cao điểm mưa.
Ba năm trước, Phụng đã lên kế hoạch rất kỹ, liệt kê các nhà hàng, điểm tham quan nhưng do ảnh hưởng của dịch, một số nơi đã đóng cửa hoặc phá sản. Dù vậy, chuyến đi của Phụng vẫn diễn ra suôn sẻ.
Điểm đặc biệt trong hành trình là cả nhóm quyết định khám phá Bali bằng xe máy. Bạn có thể thuê ngay tại villa hoặc resort. Giá thuê là 120.000 đồng một ngày, ngang với Việt Nam, xăng khoảng 16.000 đồng một lít.
Tự lái xe máy giúp Phụng làm chủ được chuyến đi. Anh cảm nhận được không khí thật sự của hòn đảo, len lỏi qua những cung đường nhỏ, ngắm các khu chợ, trường học, đền thờ. “Indonesia chạy xe bên làn trái, nên khách Việt Nam sẽ mất một thời gian để làm quen. Việc đi xe như vậy là một trong những trải nghiệm đáng nhớ nhất đời mình”, Phụng nói. Nhưng anh cũng nói thêm thật ra đi xe máy ở vùng Tây Bắc Việt Nam còn “khó gấp mấy lần”. Một lưu ý dành cho khách muốn thuê xe máy là cần kiểm tra kỹ đèn xe, vì buổi tối hòn đảo không có đèn đường.
Phụng đã đi qua một loạt địa điểm ở Bali, song một số nơi thích nhất là Bukit Cinta, biển Kelingking, xác máy bay, ngôi làng sạch nhất thế giới Penglipuran, biển Tembeling… Ở Nusa Penida, anh thấy sóng không giống với những nơi mình từng đi. “Cảm giác lạ, biển ở đây không khuyến khích tắm, những con sóng cao 3-4 m là chuyện bình thường”.
Ubud thì khác biệt với phần còn lại của Bali, do chênh lệch độ cao. Lượng mưa nhiều hơn, 3 ngày Phụng đi đều không có ánh nắng mặt trời. Cũng vì thế, những bức hình kém đi phần lung linh, nhưng anh vẫn xem đây là trải nghiệm đáng nhớ. Ở Ubud, du khách có thể đi xem Cổng trời huyền thoại ở đền Lempuyang, ngọn đồi tình yêu Bukit Cinta, nổi tiếng nhưng ít khách Việt biết đến, trekking tại núi Batur… Sau đó, đoàn của anh đi Kuta, trải nghiệm ngắm hoàng hôn ở mũi Karang Boma.
Một sự tiếc nuối trong hành trình là Phụng không thể vào bên trong xác máy bay rơi. “Đây là điểm mình chờ đợi song không thể vào, dù đã năn nỉ bảo vệ, làm đủ mọi cách. Tuy nhiên mình thấy vẫn ổn, khi đứng bên ngoài vẫn ngắm được toàn bộ thân máy bay, bên dưới là vực thẳm, tạo ra khung cảnh có 1-0-2”, Phụng nói.
Kết thúc 7 ngày tại Bali, Phụng có một chút “ganh tị” với hòn đảo do thiên nhiên đã ưu ái quá nhiều cho Bali, khi có cả biển xanh, thác nước, đồi núi, văn hóa và con người hòa hợp tạo nên một “thiên đường hạ giới”. Được mệnh danh là thiên đường resort, song các điểm tham quan du lịch lại hoang sơ một cách khó tin. “Chỉ có quầy bán vé, nước cho du khách. Hết”, Phụng cho biết. “Bạn sẽ không thấy gì ngoài cảnh quan thiên nhiên, ngay cả rác”.
Các siêu thị và chợ ở Bali không sử dụng túi nilon. Văn hóa xếp hàng tại đây rất quy củ. Muốn chụp hình ở các điểm check-in nổi tiếng, bạn phải xếp hàng, một người chỉ được 2-3 phút chụp ảnh.
Về ẩm thực, anh thấy đồ ăn Bali hợp với người Việt, do cùng là nền văn minh lúa nước. Thực đơn không đa dạng lắm, chủ yếu cơm và thịt, là đảo nhưng lại ít hải sản. “Có những quán hầu như không tìm thấy cá, mực trên menu”. Anh gợi ý quán Coco Penida Restaurant & Bar ở Nusa Penida, Bebek Tepi Swah và Warung Bintangbali ở Ubud.
Phụng chi tổng cộng 17 triệu đồng cho cả chuyến đi. Giá cả ở Bali đa phần tương đương với Việt Nam, thậm chí rẻ hơn như giá taxi. “Taxi rẻ chỉ bằng một phần ba Việt Nam”, Phụng nhận định.
Thỏa mãn ước mơ, song Phụng vẫn có chút tiếc nuối vì không có đủ thời gian trải nghiệm hết Bali do quá rộng. “Phần khiến mình thấy thoải mãn nhất là bản thân đã thực hiện được lời hứa với chính mình 3 năm trước”, anh nói. Có lẽ đây cũng là kim chỉ nam cho những chuyến đi sắp tới của anh, hứa với bản thân và thực hiện nó. Ngay khi về lại Việt Nam, anh đã có ý định sẽ quay lại, tiếp tục khám phá, đặc biệt là núi lửa Bromo và Jien.
Trung Nghĩa