Chị Nguyễn Thanh Nga, đến từ một công ty du lịch ở Hà Nội, có chuyến đi 8 ngày 7 đêm tới Sri Lanka cuối tháng 3.
“Theo thư mời của Đại sứ quán Sri Lanka, chúng tôi khởi hành chuyến đi đầu tiên ngay trước thềm ngày Việt Nam mở cửa du lịch 15/3. Đây là chuyến xuất ngoại đầu tiên sau hai năm dịch bệnh nên rất hồi hộp”, chị Nga nói. Hành trình này của chị kết hợp làm việc, hợp tác cùng đại sứ quán và chính phủ nước sở tại để kích cầu du lịch.
Chị cho biết đi đúng đợt hòn đảo đang đối mặt với khủng hoảng kinh tế, nhưng mọi việc vẫn an toàn. Các cuộc biểu tình diễn ra, nhưng chủ yếu tại các thành phố lớn như Colombo. Các địa điểm nhỏ hơn chị Nga ghé thăm không có biểu tình. Mọi thứ bình yên và chị không thấy cảnh sát hay quân đội xuất hiện nhiều.
“Thành phố Kandy có chùa Xá lợi Răng Phật được coi là bảo vật quốc gia thì canh phòng rất cẩn mật. An ninh soi chiếu kiểm soát như vào sân bay. Mỗi góc chùa khoảng 10-20 m2 lại có một cảnh sát bồng súng gác. Tôi không biết đây là lệnh tăng cường vì biểu tình, hay bình thường vẫn có lực lượng bảo vệ như thế”, chị chia sẻ.
Việc di chuyển có ảnh hưởng ít nhiều. Gas, xăng, dầu… đều được phân phối. Người dân phải xếp hàng dài dằng dặc, chờ đợi để được mua. “Ban đầu, chúng tôi thầm trách bác tài sao không đi đổ xăng lúc mọi người vẫn nghỉ ngơi trong khách sạn, mà cứ để cả đoàn phải chạy xe lòng vòng, rồi xếp hàng cả tiếng đồng hồ. Nhưng sau đó chúng tôi mới biết, phải có khách ngồi trên xe, cùng trình lịch trình đi lại mới được phê duyệt mua”, chị Nga nói.
Ngoài vấn đề này, đoàn của chị không gặp thêm khó khăn nào. Chị Nga khen ngợi sự thân thiện, nồng hậu của người dân địa phương. “Họ vô cùng thân thiện. Người dân còn nghèo, ít hàng quán đường phố. Đồ ăn đều rẻ, mức chi tiêu thấp. Một món bánh đường phố ngon chỉ 100 rubi (hơn 7.000 đồng). Tôi tip cho người phục vụ trong khách sạn 1.000 rubi (hơn 70.000 đồng) là họ đã rất vui rồi”.
Dưới đây là các điểm đến tại Sri Lanka trong chuyến đi từ 13 đến 20/3 của chị Nga.
Điểm du lịch đầu tiên chị ghé thăm là cổ thành và cung điện bằng đá Sigiriya Lion’s Rock (Đá Sư tử), nằm ở gần thị trấn Dambulla, tỉnh Central. Đây là hình ảnh nổi tiếng và tiêu biểu nhất của đất nước. Điểm đặc biệt nhất của thắng tích là có quần thể kiến trúc được xây dựng trên bề mặt phẳng của một núi đá có vách dựng đứng.
Cổng chính của Sigiriya được xây dựng với hình dáng cặp chân sư tử khổng lồ, tạo hình bằng cách tạc vào đá. Sigiriya được khởi xây dưới triều vua Kassapa I vào thế kỷ thứ năm. Ban đầu các hang núi ở nơi đây được dùng làm tu viện Phật giáo, đến thế kỷ 14 thì quần thể kiến trúc này bị bỏ hoang.
“Tôi đã có một ngày vượt lên chính mình khi chinh phục hàng nghìn bậc thang dốc đứng, ngắm toàn cảnh vùng Matale xanh mát hùng vĩ. Nơi này có rất nhiều sóc, khỉ leo trèo bên vách đá. Vé vào cửa khá cao, khoảng 30 USD nhưng xứng đáng. Du khách có thể thuê porter để thuyết minh, dẫn đường, chụp ảnh và hỗ trợ bạn lúc mệt”, chị Nga chia sẻ.
Ngày tiếp theo, chị tham gia trải nghiệm đi ngắm thú rừng ở vườn quốc gia Minneriya. “Tôi từng lang thang ở các khu bảo tồn rừng nguyên sinh châu Phi rộng lớn, nhưng tôi vẫn bị ấn tượng bởi Minneriya. Mùi hương rừng thơm ngát xộc thẳng lên mũi khiến tôi cảm thấy vô cùng dễ chịu”, chị nói.
Vườn quốc gia thu hút du khách với thảm thực vật xanh tốt quanh năm, những trảng cây bụi, những khu đất bị bỏ hoang, đồng cỏ, mỏm đá và đất ngập nước. Nơi đây là nhà của 24 loài động vật có vú, hơn 160 loài chim, 9 loài lưỡng cư, 25 loài bò sát, 26 loài cá và 75 loài bướm. Đây cũng là nơi gặp gỡ lớn nhất của du khách với các loài voi châu Á.
Đền thờ động Dambulla hay Đền vàng là địa danh được UNESCO công nhận vào năm 1991, được biết đến là ngôi đền nằm trong hang động lớn nhất, được bảo tồn tốt nhất nước. Điểm hấp dẫn của địa điểm này nằm trong năm hang động, nơi chứa các bức tượng Phật và tranh tường với chủ đề liên quan đến Đức Phật và cuộc đời của Ngài.
Thăm thành phố linh thiêng Kandy là điểm dừng chân tiếp theo của chị Nga. Nơi này còn biết đến với tên gọi Senkadagalapura, là kinh đô cuối cùng của các vua Sri Lanka và được UNESCO công nhận di sản thế giới năm 1988. Điểm ấn tượng nhất tại đây là đền Tooth Relic, lưu giữ Xá lợi răng Phật Tổ và là nơi hành hương yêu thích của các tín đồ phật giáo. Xá lợi Răng Đức Phật được tôn thờ bên trong một bảo tháp bằng vàng tuyệt đẹp để trong khung kính tại chùa Răng và được coi là báu vật quốc gia.
Câu cá trên cà kheo là truyền thống lâu đời của khoảng 500 gia đình ngư dân ở phía tây nam đất nước, thuộc huyện Galle, đặc biệt là xung quanh các thị trấn Kathaluwa và Ahangama. Đây cũng là một trong những trải nghiệm nhiều du khách ghé thăm khi đến quốc gia Nam Á. Một ngư dân câu cá trên cà kheo chia sẻ những chiếc cọc gỗ mà họ dựng có thể dùng được khoảng 4 tháng. Khi cọc gỗ bị mục, họ sẽ dỡ đi và dựng cọc mới.
Pháo đài Galle nằm trên vịnh cùng tên là địa danh tiếp theo mà chị Nga đặt chân đến. Vào thế kỷ 17, khi đặt chân tới hòn đảo hình viên ngọc trai này, người Hà Lan xây dựng pháo đài để chống lại người bản địa cũng như sự tranh chấp của các đoàn thực dân Pháp, Bồ Đào Nha. Pháo đài được xây dựng bằng đá granit và những rặng đá ngầm dưới biển do san hô tạo nên kiên cố và chắc chắn. Điểm đặc biệt khiến pháo đài luôn thu hút là nét kiến trúc rất Âu, rất Hà Lan giữa lòng hòn đảo. Bên trong pháo đài là vô vàn ngôi nhà gỗ, mái lợp ngói đỏ, với vườn hồng và có tầm nhìn ra bờ vịnh Galle. Nơi này cũng là một di sản của UNESCO.
Những ngày cuối của chuyến đi, chị Nga dành thời gian tham quan thủ đô Colombo. Địa điểm mà chị ấn tượng nhất là tòa tháp truyền hình Lotus Tower cao 356m. Nó được coi là công trình mang tính biểu tượng của đất nước. Từ tầng 29, du khách có thể thỏa sức ngắm toàn cảnh thành phố. Hiện tại, tòa tháp chưa mở cửa đón khách và mới chỉ giới hạn ở các vị khách có lí do đặc biệt được ghé thăm.
Đảo quốc có nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng đẹp giá rẻ, 100-400 USD một đêm. Khách sạn thường xây ngay trong rừng, tựa vào núi và còn nguyên những tảng đá lấp lánh ánh vàng ở giữa sảnh hay hành lang. Khỉ leo ngoài cây rất nhiều, “đột nhập” cả vào phòng khách lấy hoa quả.
Đồ ăn địa phương cay, nhiều cà ri, hơi khó ăn so với khẩu vị bình thương của người Việt, theo đánh giá từ chị Nga. Thủ đô Colombo có hai quán ăn của người Việt là Kim’s kitchen và một quán Phở.
Bảy ngày ở đảo quốc có hình dáng giống giọt lệ nằm trên biển Ấn Độ Dương là những ngày vô cùng ấn tượng và giàu cảm xúc với nữ du khách Việt. Xứ Tích Lan (cách gọi cũ của Sri Lanka sang phiên âm tiếng Việt) là miền đất của Thiên Tăng, của Phật giáo nguyên thủy. Trong một chuyến đi, chị được trải nghiệm từ non cao đến biển rộng, từ thiên nhiên hoang dã đến kiến trúc thành thị.
“Sri Lanka vẫn còn khá lạ lẫm, mới mẻ với du khách Việt. Tôi từng ghé thăm 70 quốc gia, vùng lãnh thổ, nên trước khi đến đây, đã nhủ thầm: Chắc không có gì hay đâu. Nhưng tôi đã nhầm. Đó là một nơi rất yên bình, đẹp đẽ và tốt đẹp”, chị nói.
Phương Anh
Ảnh: NVCC