Chị Nguyễn Thu Tâm (ngoài 50 tuổi, Hà Nội) có chuyến đi đến thảo nguyên bao la vì một lời giới thiệu đó là vùng đất thiên nhiên chưa bị thay đổi.
Nhóm của chị Tâm có 12 người, khởi hành từ miền trung đất nước, xuống phía nam, vòng lên tây bắc rồi quay về thủ đô Ulanbataar. Tổng quãng đường đã đi là 3.500 km trong thời gian 17 ngày.
Mông Cổ có diện tích hơn 1,5 triệu km2 nhưng dân số thưa thớt, hơn 3,2 triệu người. Các điểm dân cư nằm cách xa nhau cả ngày đường. Do đó, du khách đều phải thuê xe riêng để tiết kiệm thời gian, thuận tiện đi lại. Nhóm chị Tâm thuê hai xe có lái là người địa phương cùng một hướng dẫn viên kiêm nấu nướng.
Thảo nguyên mênh mông, nên hai xe đôi khi bị lạc nhau do một số nơi bị mất sóng điện thoại. Do đó, họ thường phải dừng lại chờ nhau. Có lần xe chở chị Tâm bị xe chở hướng dẫn viên và đồ ăn để lạc mất, phải bỏ bữa trưa.
Cả nhóm đến Mông Cổ vào một ngày tháng 7. Đây là thời điểm “đủ ấm để tắm hồ, đủ lạnh để đốt lửa nướng thịt, ngắm các loại hoa đua nở”. Mỗi ngày đoàn chạy trung bình 300 km. Đường xấu, xe xóc, bụi bặm, nóng lạnh thất thường, nhưng bù lại cả đoàn luôn được mãn nhãn với những hình ảnh thiên nhiên hùng vĩ lướt qua bên cửa kính. Điều đặc biệt gây ấn tượng là những cánh đồng hoa hoang dã muôn màu trải dài bất tận, đây đó lấp ló những con thú hoang như sóc, chuột, nhím…
Thỉnh thoảng cả xe lại ồ lên đòi dừng lại chụp hình: khi là một dải đồi xanh ngút mắt, điểm những mái nhà đủ màu tím hồng vàng đỏ. Quanh đó, từng đàn dê đen cừu trắng gặm cỏ, lúc là cả cánh đồng hoa cải vàng, hoa dại tím hồng hoặc trắng chạy dài tít tắp. Thích nhất là những khi gặp các dải hoa đồng nội đủ màu chen giữa cỏ xanh, thường có ở những hẻm núi, bên suối, ven hồ nên rất tiện để dừng chân nấu ăn, nghỉ ngơi.
Tuy nhiên, không phải loại cây nào cũng hiền hoà. Ngày đầu tiên khi đi vào một khe núi xanh tốt, chị Tâm đã gặp những cây bụi trông như ngải cứu, vừa động vào thì đau buốt như dao cắt, nhức nhối cả ngày.
Từng bị một cú ngã trời giáng, chị Tâm vẫn ấn tượng nhất chuyến cưỡi ngựa từ hồ Trắng lên thăm núi lửa. Ở đây, khách du lịch lên ngựa không phải chỉ để làm dáng chụp hình mà thực sự băng qua núi đồi và thảo nguyên, gần chục km, suốt một buổi chiều. Ngựa là loại bán hoang dã nên đó là một cuộc phiêu lưu khá mạo hiểm. Do ngã đau tưởng gãy xương nên chị đành bỏ dở chuyến đi, quay về lều. Chiều xuống, nhìn các bạn phi ngựa trở về trong hoàng hôn tuyệt đẹp mà chị tiếc suýt khóc.
Ngủ nghỉ
Đêm đầu tiên tại thủ đô Ulanbataar, nhóm ở trong một căn lều (ger) trên sân thượng của một nhà khách. 15 ngày tiếp, nhóm chỉ sống trong lều của dân du mục. Chỉ 2 đêm cuối về lại thủ đô là ngủ trong căn hộ kiểu Nga cũ.
Khi ở miền nam, giữa vùng sa mạc Gobi, ngủ trong lều tuy lạnh nhưng chưa cần phải đốt lò sưởi. Nhưng tiến dần lên phía bắc, thì ngay giữa mùa hè cả nhóm vẫn phải nhóm lò sưởi ấm ban đêm và tận dụng đặt nồi nước trên bếp lò để có nước ấm rửa mặt đánh răng. Gỗ thông cho vào cháy nỏ tàn nhanh, nên lúc còn thức thì nóng rực, nhưng đến giữa đêm, thường bị lạnh cóng. Do đó, nên mang thêm túi ngủ giữ ấm, ngoài chăn đệm có sẵn trong lều. Nhóm chị Tâm đã phải mua món đồ này khi qua cố đô Kharkhorin.
Ger là một phần không thể thiếu của nền văn hóa du mục. Những mái lều tròn màu trắng, toả khói lam chiều có lẽ là hình ảnh trữ tình nhất của miền đất này. Lều Mông Cổ cửa rất thấp, khoảng 1,2 m nên khách thường xuyên được thưởng thức món đặc sản “cộc đầu”. Không ai trong đoàn thoát và không ngày nào không bị, thậm chí ngày va vài lần.
Lều là một khung gỗ tròn đường kính tầm 6-7 m, được ráp nối từ những thanh gỗ chuốt nhẵn sơn vẽ hoa văn đẹp mắt, mái lợp bạt, xung quanh chèn lông lạc đà ép, phía trong treo thảm hoặc quây bằng vải hoa để giữ ấm và trang trí. Trên nóc có cửa tròn lấy sáng và thông hơi. Khi mưa thì kéo tấm bạt phủ kín. Những căn lều chị nghỉ thường có 4-5 giường đặt vòng quanh. Trên vách thường treo hình Thành Cát Tư Hãn (người sáng lập Đế quốc Mông Cổ xưa). Giữa lều là bàn hoa văn sặc sỡ đặt giữa lều ngay cạnh lò sưởi nối với ống khói xuyên qua mái.
Tắm giặt
Các khu vực khác ngoài thủ đô (có nước máy đến tận nhà), người dân thường chứa nước vào các bể lớn, múc ra dùng dần. Ngoài thảo nguyên chỉ có thùng nước để ăn uống, hầu như không có nhà tắm. Hướng dẫn viên phải mua nước, phát cho mỗi người một chai để uống. Chị Tâm cũng chỉ có nửa lít nước mỗi ngày để vệ sinh cá nhân. Khoảng 3-4 ngày mới đến một thành phố có nhà tắm công cộng. Vé vào tắm nước nóng là 2.000-3.000 tuvgrok (24.000-26.000 đồng).
Chính vì nước khan hiếm mà các du khách Việt học cách tiết kiệm rất nhanh. Chỉ đến ngày thứ ba của chuyến đi, cả đoàn có thêm thói quen giữ lại vỏ chai, can nhựa để hứng nước từ nhà tắm công cộng, hồ nước… Nước suối ở đây rất trong, hai lái xe người địa phương thường dùng để uống.
Người Mông Cổ có ý thức bảo vệ nguồn nước và tiết kiệm nước. Họ có những hồ sạch đẹp, nước trong vì không bao giờ vứt rác hay đổ nước thải xuống hồ. Có chỗ như hồ Trắng chỉ cho phép tắm, chứ không cho giặt. Còn ở biển hồ Khovsgol chị Tâm chưa thấy ai tắm, dù dân nghỉ mát bên hồ rất đông. Phần lớn nhà vệ sinh hoặc nhà tắm (nếu có) đều ở trong rừng hoặc rất xa nguồn nước. Làm bẩn nguồn nước là điều tối kỵ.
Ăn uống
Thức ăn chủ yếu là thịt các loại cừu, dê, bò, ngựa, lạc đà hoặc các loại thú hoang dã, rau rất ít. Mấy ngày đầu, nhóm hào hứng hái rau dại bên đường, tối về định nấu ăn nhưng sau đó buộc phải bỏ đi vì không có nước rửa.
Mọi người thường ăn trưa trong các quán ven đường, và món đặc trưng là khushur (như bánh gối) hoặc buuz (loại bánh hấp nhỏ hơn) nhân thịt dê, cừu. Ngày đầu, du khách Việt ăn ngon lành nhưng những ngày tiếp theo bị ngán vì thiếu rau.
Buổi tối cả nhóm nấu ăn tại lều trại nên có dịp cùng gia chủ làm và ăn món đặc sản du mục Mông Cổ, thô sơ nhưng ấn tượng. Họ lột da con thú (dê hoặc chuột núi-marmot), để nguyên cả bộ lông, lấy thịt cắt ra từng khúc rồi nhồi lại vào bộ da vừa lột, cho thêm ít muối hoặc có thể cả khoai tây và hành tây, nhồi thêm mấy cục đá nướng đỏ vào trong cho thịt chín âm bên trong. Sau đó, họ khâu lại mang thui chín. Thịt làm nguyên con rồi làm chín theo cách này gọi là món boodog. Lần đó, nhóm gần chục người ăn nguyên cả con dê mấy chục cân. Ăn thịt thay cơm vẫn còn thừa quá nửa.
Đồ uống đặc trưng là kumys (rượu sữa ngựa), được uống bằng bát. Chị Tâm được tham dự lễ hội Nadaam (lễ hội quốc gia lớn nhất Mông Cổ diễn ra vào trung tuần tháng 7) ở một thị trấn nhỏ. Tại đây, chị được uống kumys và nhớ mãi vị chua gắt mà các vị bô lão hiếu khách đã mời. Chị cũng có dịp chứng kiến các cuộc thi cưỡi ngựa, đấu vật, bắn cung… trong lễ hội. Đây là ba môn thể thao được coi là tỏ rõ khí chất nam nhi nhất xứ thảo nguyên.
Điểm tham quan
Biểu tượng nổi tiếng nhất hiện nay của Mông Cổ chính là bức tượng khổng lồ đặc tả Thành Cát Tư hãn trên mình ngựa. Bức tượng khổng lồ này cao 40 m, được đặt trên bệ là một ngôi nhà tròn đường kính 36 m, cao 10 m có 36 cột tượng trưng cho 36 đời Khả hãn (vương) tiếp sau Thành Cát. Ngôi nhà làm bệ này cũng đồng thời là Bảo tàng về lịch sử Mông Cổ từ thời đại đồ đồng đến thời Hung Nô…
Trong thân ngựa có thang máy và thang bộ dẫn lên đầu ngựa. Vị trí bờm ngựa có sân nhỏ để du khách có thể ra ngắm toàn cảnh thảo nguyên mênh mông. Khu Tổ hợp này nằm cách Thủ đô 54km về phía đông, đây là nơi tương truyền Thiết Mộc Chân (tên thời trẻ của Thành Cát Tư hãn) đã nhặt được chiếc roi ngựa – biểu tượng của thành công.
Trong bảo tàng hiện nay ngay ở sảnh chính có đặt cây roi ngựa bằng vàng. Và vì nó đã trở thành một kỳ quan của đất nước này nên nhóm chị đã dành hẳn một ngày cuối cùng đến thăm trước khi rời xứ sở thảo nguyên và sa mạc.
Chi phí
– Hành trình kéo dài 17 ngày: trong đó có 14 ngày thuê xe + ăn ở + guide trọn gói. Giá 52 USD/ngày/ người.
– Vé bay mua của Koreanair, bay qua Incheone, giá 900 USD một người. Khi nối chuyến, nhóm tranh thủ thời gian bắt xe vào tham quan thủ đô Seoul và vùng lân cận.
– Tiền ăn ở 3 ngày ở thủ đô, thuê xe đi thăm khu tượng đài Thành Cát Tư hãn, gần 100 USD một người.
– Tiêu vặt dọc đường, mua đồ lưu niệm: 100 USD.
– Tổng tiền trọn gói: 1.800 USD một người.
Từ ngày 14/2, Mông Cổ mở cửa cho khách du lịch quốc tế. Điều kiện nhập cảnh là cần tiêm hai mũi vaccine. Chính sách này áp dụng với hành khách đi bằng đường hàng không, chưa áp dụng với đường bộ, ít nhất đến hết 31/3. Khi đến sân bay, du khách cần xuất trình thêm giấy xét nghiệm PCR âm tính.
Phương Anh